Tìm thấy ngà voi ma mút chôn vùi gần 3 triệu năm dưới đáy biển

Các nhà nghiên cứu phát hiện một chiếc ngà từ xác voi ma mút bị trôi dạt và rơi xuống độ sâu hơn 3.000m bên dưới Thái Bình Dương.

Một con voi ma mút cái ít tuổi từng lang thang gần khu vực nay là vùng Central Coast, California, Mỹ và chết ở đó. Dù con voi chết trên đất liền, cơ thể đồ sộ của nó cuối cùng nằm dưới Thái Bình Dương. Bị cuốn trôi bởi dòng hải lưu, xác nó trôi dạt hơn 241km từ bờ biển tới độ sâu 3.048m, bên cạnh một ngọn núi dưới biển. Xác con voi đã nằm ở đó hàng thiên niên kỷ mà không ai biết tới.


Nhà khoa học Steven Haddock chỉ vào chiếc ngà trên màn hình của tàu Western Flyer. (Ảnh: Darrin Schultz/MBARI)

Tuy nhiên, tất cả thay đổi vào năm 2019 khi các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey tình cờ tìm thấy những chiếc ngà voi trong khi sử dụng phương tiện điều khiển từ xa để nghiên cứu các loài vật mới dưới biển sâu ngoài khơi Monterey (MBARI), California. Nhóm nghiên cứu tìm cách thu thập mẫu vật bí ẩn. Không may, phần chóp của mẫu vật hình thanh mã tấu bị vỡ. Họ lấy một mẩu nhỏ và để phần còn lại ở nguyên vị trí. Mãi tới khi kiểm tra mảnh vỡ, các nhà nghiên cứu mới biết chắc họ đã bắt gặp một chiếc ngà nhưng không rõ nó đến từ loài vật nào và ở thời kỳ nào.

Việc phát hiện một mẫu vật như vậy dưới biển sâu rất khác thường. Ngà và xương của sinh vật tiền sử thường vùi sâu dưới lòng đất hoặc bị bao bọc trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu gần Vòng cực Bắc. Dù một số mẫu vật nằm ở vùng nước nông tại Biển Bắc của Tây Âu, giới nghiên cứu chưa bao giờ tìm thấy dấu vết của voi ma mút hay bất kỳ động vật có vú cổ đại nào ở vùng nước sâu như vậy.

Steven H.D. Haddock, nhà sinh vật học hải dương ở viện, thường tập trung vào phát quang sinh học và sinh thái học của tổ chức dạng thạch dưới biển sâu. Nhưng ông bị hấp dẫn bởi mẫu vật khoa học đặc biệt này. Vì vậy, Haddock đã tập hợp một nhóm nhà khoa học trong viện, Đại học California, Santa Cruz và Đại học Michigan để khám phá bí ẩn. Nghiên cứu sơ bộ của họ cho thấy đây không chỉ là xác voi ma mút mà còn là con voi chết vào cuối thời Đồ đá cũ, thời kỳ kéo dài từ 2,7 triệu đến 200.000 năm trước.

Nghiên cứu sâu hơn về mẫu vật có thể giúp trả lời câu hỏi đã tồn tại từ lâu về quá trình tiến hóa của voi ma mút ở Bắc Mỹ. Phát hiện cũng cho thấy đáy biển có thể chứa đầy mẫu vật cổ sinh vật học, giúp tăng cường hiểu biết của chúng ta về quá khứ. Nhưng trước khi nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu mẫu vật, họ phải quay lại vùng biển để thu thập nốt phần ngà voi còn lại.

Hôm 27/7, Haddock lên tàu Western Flyer, tàu nghiên cứu lớn nhất của MBARI, cùng với nhiều đồng nghiệp. Đi cùng với ông là Daniel Fisher, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Michigan và Katherine Louise Moon, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học California, Santa Cruz, chuyên gia về ADN của động vật cổ đại.

Trước chuyến đi, Moon thu thập đủ ADN từ phần chóp bị vỡ để xác định chiếc ngà đến từ một con voi ma mút cái. Kết luận của cô nhận được sự tán thành của Fisher. Theo ông, hình dáng và kích thước của chiếc ngà là đặc điểm của voi ma mút cái. Terrence Blackburn, một nhà nghiên cứu khác tại Đại học California, Santa Cruz, không thể tham gia chuyến đi, nhưng phân tích sơ bộ của ông cung cấp ước tính về độ tuổi của con voi ma mút khi chết.

Trên tàu, nhóm nghiên cứu chỉ mất hai ngày để tới ngọn núi dưới biển, nơi có chiếc ngà. Sáng ngày 29/7, con tàu tới đích. Haddock và cộng sự lập tức bắt tay vào tìm kiếm. Họ tập trung trong phòng điều khiển của tàu. Qua màn hình, nhóm nghiên cứu hồi hộp theo dõi phương tiện điều khiển từ xa mang tên Doc Ricketts dần hạ thấp xuống nước. Khi phương tiện tới đích, phòng điều khiển có các nhà khoa học, kỹ sư và thành viên thủy thủ đoàn, tất cả đều háo hức theo dõi quá trình thu hồi chiếc ngà.

Gần như mọi thứ ở sườn núi dưới biển phía dưới phương tiện bị bao phủ bởi lớp sắt - mangan màu đen. Điều đó khiến việc tìm kiếm chiếc ngà trở nên khó khăn. Tuy nhiên, sau chưa đầy 15 phút tìm kiếm, chiếc ngà bất ngờ xuất hiện ở một trong các màn hình. Haddock và cộng sự lo ngại chiếc ngà có thể bị vỡ khi nhấc lên, vì vậy họ dành thời gian chụp ảnh và quay video để dựng mô hình 3D để đề phòng mẫu vật bị vỡ trong quá trình thu hồi.

Những ngón tay nhựa mềm được gắn vào cánh tay của phương tiện để nhấc chiếc ngà lên dễ dàng hơn. Sau đó, phương tiện không người lái đưa mẫu vật vào hộp chứa. Quá trình tìm kiếm và thu hồi chiếc ngà kéo dài chưa đầy hai giờ. Không lâu sau, phương tiện điều khiển từ xa quay trở lại mặt nước. Haddock và Fisher mau chóng lấy chiếc ngà ra để đo đạc, làm sạch và chụp ảnh. Họ hy vọng mẫu vật chứa nhiều ADN voi ma mút hơn phần chóp bị vỡ, đủ để xác định con voi ma mút dưới nấm mồ nước thuộc loài nào.

Cập nhật: 26/11/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video