Có thể bạn không tin nhưng những gì bạn ăn mỗi ngày đều ảnh hưởng đến các loài vật đang sinh sống trên hành tinh này.
Tất cả mọi thứ con người ăn đều gây ảnh hưởng nhất định đến Trái Đất này và những loài động động vật đang sinh sống nơi đây. Chỉ trong 40 năm qua, số lượng động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm 60%. Và chính ngành sản xuất thực phẩm là nhân tố đóng góp trực tiếp vào sự mất đa dạng sinh học này.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đang nỗ lực xây dựng một chuỗi thực phẩm bền vững trên toàn thế giới. Trong đó, cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đều phải có trách nhiệm với nguồn thực phẩm của chính mình và có trách nhiệm với môi trường sống tự nhiên của các loài động vật hoang dã.
Hành trình này sẽ cần bắt đầu bằng việc hiểu tác động của các loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày đến môi trường xung quanh, cũng như mối liên hệ giữa các loại thực phẩm và loài khác nhau. Từ đó, chúng ta có thể tìm ra con đường mua sắm và tiêu thụ bền vững hơn cho môi trường sống chung quanh.
1. Tinh tinh và Chocolate
Bờ biển Ngà là quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những ngôi nhà cuối cùng còn sót lại của loài tinh tinh phương Tây. Dù đất nước này đã thành lập nhiều Vườn quốc gia để bảo vệ tinh tinh, nhiều cánh rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá trái phép cho mục đích sản xuất ca cao - thành phần chính trong những thanh chocolate chúng ta vẫn thưởng thức hằng ngày. May mắn thay cho các tín đồ hảo ngọt, Rainforest Alliance (RA) tổ chức phi chính phủ toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế đã đưa ra quy trình sản xuất chocolate bền vững - vừa bảo vệ rừng và cư dân hoang dã, vừa đảm bảo lợi ích cho những người nông dân trồng ca cao.
2. Bướm vua và Bánh mì Sandwich
Cứ đến mùa thu, bướm vua sẽ di cư từ miền Bắc Hoa Kỳ và Canada đến Mexico. Nguồn sống và sinh sản của chúng dựa vào cây bông tai (milkweed) và các loại thực vật hoang dã khác trên thảo nguyên. Trong những năm gần đây, diện tích đồng cỏ ở Đại Bình nguyên (Great Plains) sụt giảm nhanh hơn cả diện tích rừng nhiệt đới ở Amazon. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc khai thác đất để trồng ngũ cốc, các loại hạt có dầu - nguyên liệu để sản xuất bánh mì, mayonnaise, thức ăn cho lợn và các vật nuôi khác.
3. Rùa biển và Tôm
Rùa biển là một trong số ít động vật sống lâu đời và kỳ vĩ nhất trong đại dương. Hằng năm, có tới hàng trăm ngàn con trong số chúng vô tình bị bắt và chết trong lưới đánh cá và các thiết bị đánh bắt khác. Nhưng may mắn thay, nhờ số lượng tôm ngày càng tăng cùng với sự cải tiến trong công nghệ đánh bắt đã hạn chế tỉ lệ vô tình lọt lưới của rùa biển, cá heo, cá mập và các động vật khác. Người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm hải sản có dán nhãn của Hội đồng Quản lý biển (MSC) tại các cửa hàng, trên các gói hải sản và trên thực đơn tại các nhà hàng để đảm bảo nguồn hải sản được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm.
4. Voi và Mì ăn liền
Voi Sumatra là một loài vật thu hút và mang tính biểu tượng của Indonesia. Nhưng trên khắp đảo Sumatra của Indonesia, loài vật này đang mất dần nơi cư ngụ vì ngành sản xuất dầu cọ trái phép. Dầu cọ được sử dụng trong khoảng một nửa số sản phẩm được bày bán trong siêu thị, bao gồm nhiều loại thực phẩm chế biến. Người Mỹ đứng đầu thế giới trong việc tiêu thụ dầu cọ, chủ yếu đến từ mì ăn liền. Dầu cọ được sử dụng để chiên mì, giúp mì được giòn và khô. Trên thực tế, dầu cọ chiếm đến 20% trọng lượng trong nhiều loại mì ăn liền.
Nếu bạn là một người quan tâm đến tiêu dùng bền vững, hãy để mắt đến nhãn dán Dầu cọ bền vững (RSPO) trên bao bì các sản phẩm. RSPO là nhãn dán sinh thái chứng nhận dầu cọ sử dụng trong sản phẩm được sản xuất với quy trình bền vững, giúp bảo vệ không chỉ loài voi và môi trường sống của chúng, mà còn cả các loài khác như đười ươi, tê giác, hổ...
5. Hổ và Pesto
Với hương vị thơm ngon và màu sắc không kém phần hấp dẫn, pesto là loại sốt yêu thích của nhiều người. Bên cạnh húng quế là thành phần chính, hạt thông cũng là một nguyên liệu không thể thiếu tạo nên kết cấu đặc trưng và hương vị thơm ngon của nước sốt. Vấn đề là hạt thông đến từ đâu?
Đa phần chúng được thu hoạch từ những cây thông trên khắp vùng Viễn Đông Nga và phía Đông Trung Quốc. Hai khu vực này là nơi sinh sống của hổ Amur, loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hổ Amur ăn thịt nai và lợn rừng, trong khi nai và lợn rừng ăn hạt thông. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đang làm việc cùng với các cộng đồng bản địa và các công ty để có thể cân bằng giữa lợi ích kinh tế từ nguồn hạt thông với việc bảo vệ rừng, duy trì nguồn sống cho loài hổ nơi đây.
6. Vượn cáo và Kem Vani
Vani là một hương vị cổ điển, đồng thời cũng là loại kem phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Nhưng vani thực chất là gì và đến từ đâu?
Có thể bạn không tin, vani là quả của cây lan, phần lớn được trồng ở Madagascar. Madagascar là nơi sinh sống duy nhất của các loài vượn cáo bản địa, từ loài silky sifaka đến loài vượn cáo đuôi vòng. Trong khi môi trường sống của chúng bị tàn phá bởi ngành nông nghiệp này, nghiên cứu gần đây lại cho thấy, các đồn điền trồng vanilla nếu được thiết kế và vận hành đúng cách thì hoàn toàn có thể chung sống với loài vượn cáo, thậm chí hàn gắn môi trường sống tự nhiên đang bị mất dần của chúng. WWF đang nỗ lực cùng với nông dân và các công ty sản xuất gia vị tìm ra những cách vừa duy trì bền vững việc khai thác vani, vừa bảo vệ loài linh trưởng vui nhộn này.
7. Cá voi lưng gù và Cá kiếm đút lò
Bạn đã bao giờ đi câu cá vược mà lại vô tình móc trúng một con cá bơn chưa? Những điều tương tự như vậy thường xuyên xảy ra trên các thuyền đánh cá. Mỗi ngày, có đến một lượng lớn các loài sinh vật biển như cá voi, cá mập, rùa, cá heo và những con cá con vô tình bị câu trúng và bị vứt bỏ ngay sau đó.
Cụ thể hơn, cá voi lưng gù là nạn nhân thường xuyên của việc khai thác cá kiếm ở Thái Bình Dương. May mắn thay, từ năm 1994, các sự cố này đã giảm kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với ngành công nghiệp đánh bắt cá để ngăn chặn việc khai thác vô tội vạ này.
Nếu những nỗ lực này được nhân rộng trên khắp thế giới, chúng ta sẽ có thể cứu giúp các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác thường xuyên bị mắc vào lưới và trên dây chuyền đánh bắt cá, bao gồm cá voi đen (right whale), cá heo Vaquita, cá heo Irrawaddy, Franciscana, và cá heo cảng
WEF đang chung tay cùng với ngành hải sản để hạn chế lượng sinh vật biển vô tình lọt lưới bằng cách nâng cấp các công nghệ và thiết bị đánh bắt. Món cá kiếm - cũng như các loại hải sản khác, khi được dán nhãn của Hội đồng Quản lý biển (MSC), đồng nghĩa với việc được khai thác trong ngư trường bền vững, hạn chế tối thiểu tác động dến các loài sinh vật hoang dã khác.
8. Linh dương sừng nhánh và Những bữa tối dịp lễ
Nếu bạn đủ may mắn để được thưởng thức các món gà tây, khoai tây, rau xanh, khoai lang, và vô vàng những thứ khác trong các dịp lễ, bạn hẳn phải cảm tạ cuộc đời và cả nhiều loài vật khác!
Trong những dịp lễ thế này, thức ăn không chỉ là những món ăn bạn thấy trên bàn. Bữa tiệc linh đình của bạn cần nhiều hơn 1 mẫu anh (hơn 4000m2 đất) và hơn 1 gallon nước (3,78l) để chuẩn bị. Và sự thật là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. Phải tốn hơn 22kg đậu nành, ngô và các loại ngũ cốc khác để nuôi 1 con gà tây nặng khoảng 7kg. Lượng bơ sữa trong món Mac n Cheese, khoai tây nghiền, bánh mì ngô và nhiều món khác tương đương vài kiện thức ăn cho bò sữa.
Tất cả những điều này đang tạo áp lực cho Đại bình nguyên Bắc Mỹ - là quê hương của linh dương sừng nhánh và nhiều loài vật khác, những loài động vật phải dựa vào nguồn cỏ nơi đây để sống, cũng là nơi đang mất hàng triệu mẫu đất đồng cỏ mỗi năm.