Xuyên suốt lịch sử, không khó để hình dung về một "nhà bác học điên" - khái niệm đã được hư cấu hóa thông qua các tác phẩm văn học như "Frankenstein" hay các bộ phim điện ảnh ăn khách như "Back to the Future", dùng để ám chỉ những người không hề e ngại khi vượt qua mặt tối của khoa học để đạt được mục đích của mình trong nghiên cứu.
Những nhà khoa học điên và những thí nghiệm "khủng khiếp" của họ
1. Sidney Gottlieb
Sidney Gottlieb là bậc thầy về độc dược và cách để ứng dụng chúng.
Sidney Gottlieb là một trong số ít các nhà khoa học nổi tiếng như một "nhà bác học điên rồ", với sở thích quái dị say mê nghiên cứu các chất độc chết người, cũng như thường xuyên phát minh ra những cách thức để ứng dụng chúng trong thực tế.
Tài năng của ông đã được các cơ quan tình báo tiếp nhận, và tạo điều kiện để phát triển. Ông chính là người đã chế tạo ra những viên thuốc độc để trang bị cho các điệp viên của CIA, để họ tự sát khi bị lộ tẩy, tạo nên cái chết không đau đớn chỉ sau 10 giây. Tuy nhiên để đánh giá mức độ hiệu quả của thứ thuốc độc này, Gottlieb đã nhiều lần lén thử nghiệm trên người.
Mặc dù truyền thông cho rằng đối tượng mà Gottlieb hướng đến là những kẻ móc túi và nghiện ngập, nhưng lại có tin đồn rằng ông từng âm thầm thuyết phục cả một thị trấn sử dụng thứ thuốc này mà không hề nói cho họ hay biết về sự thật.
2. Harry Harlow
Harry Harlow sử dụng khỉ Rhesus để làm nhiều thí nghiệm gây tranh cãi.
Thử nghiệm trên động vật có thể đã mang đến một vài đột phá thực sự quan trọng trong khoa học, nhưng cũng rất khó để vạch ra ranh giới giữa sự cần thiết và sự tàn nhẫn.
Nhà tâm lý học người Mỹ, Harry Harlow từng sử dụng khỉ Rhesus (một giống khỉ vàng phân bố chủ yếu ở châu Á) để nghiên cứu tác động của sự cô lập và cô đơn. Ông bắt những con khỉ con, tách chúng ra khỏi mẹ và nhốt trong chiếc lồng được gọi là "chiếc hố của sự tuyệt vọng", sau đó đánh giá những phản ứng của chúng trong quá trình phát triển, từ tính cách và thể chất.
Bằng nghiên cứu của mình, Harlow hy vọng sẽ áp dụng phương pháp điều trị trong lĩnh vực phát triển ở trẻ em và bệnh trầm cảm.
3. Vladimir Demikhov
Thí nghiệm ghép đầu 2 chú chó đã thất bại một cách khủng khiếp.
Ý tưởng về "cộng sinh" - hay sự tồn tại của 2 cá thể trên cùng một cơ thể, từ lâu đã đặc biệt thu hút các nhà khoa học. Tuy nhiên, điều này có thể hướng đến những thử nghiệm điên rồ.
Bác sĩ phẫu thuật người Nga, Vladimir Demikhov từng thử tạo ra một chú chó 2 đầu bằng cách ghép nửa thân trên của một chú chó con với cổ của một chú chó chăn cừu Đức đã trưởng thành.
Sự vô nghĩa của thử nghiệm này đã khiến đây trở thành một trong những thử nghiệm tồi tệ nhất trong lịch sử từng ghi nhận. Không cần phải nói, cả hai con chó đều đã tử vong vì các mô tế bào của chúng từ chối tiếp nhận "bộ phận mới".
4. Giovanni Aldini
Giovanni Aldini muốn hồi sinh người chết bằng cách sử dụng khoa học để đạt được kết quả mong muốn.
Cái chết từng là bí ẩn của khoa học trong suốt một thời gian dài. Một số nhà phát minh bị ám ảnh bởi điều này đến nỗi họ muốn hồi sinh người chết bằng cách sử dụng khoa học để đạt được kết quả mong muốn.
Vào năm 1803, nhà khoa học người Ý, Giovanni Aldini, tuyên bố chỉ cần dùng điện tạo thành từ pin Volta là hoàn toàn có thể hồi sinh xác chết của George Foster - một kẻ sát nhân bị xử tử trước đó.
Thí nghiệm điên rồ được tiến hành. Sau khi cắm 2 đầu cực của pin vào đầu của Foster, thì bất ngờ hai hàm răng của xác chết bắt đầu rung lên, cơ má của hắn co lại và hai mắt mở ra. Cảm giác có vẻ như tên Foster này quả thật đã sống lại. Một số người đã bị ngất vì quá sốc khi xem màn thí nghiệm.
Tuy nhiên, cơ mặt của tên tử tù bị kích thích bởi dòng điện nên đã vận động, tạo cảm giác rằng hắn đang sống lại, chứ thực ra không hề có chuyện "hồi sinh xác chết" bằng dòng điện.
5. Shiro Ishii
Shiro Ishii là người đứng sau của một loạt các thí nghiệm vô nhân tính được áp dụng trên cơ thể con người.
Nói về những thử nghiệm điên rồ, không ai là không biết đến Shiro Ishii - một nhà vi trùng học, từng là giám đốc của Đơn vị 731, một đơn vị chiến tranh sinh học khét tiếng tàn ác của Lục quân Đế quốc Nhật Bản.
Năm 1930, ông từng thành lập một cơ sở nghiên cứu bí mật, nơi giam giữ khoảng 1000 tù nhân để tiện cho việc phát triển và ứng dụng vũ khí sinh học. Đơn vị 731 coi các nạn nhân của họ như các "Maruta", có nghĩa là khúc gỗ, để tiến hành các thí nghiệm vô nhân tính.
Nhiều hình phạt "khủng khiếp" đã được áp dụng tại cơ sở này, như cưỡng bức mang thai, gây tê cóng bằng cách gây mê, hay phẫu thuật không dùng thuốc giảm đau... Ngoài ra, các tù nhân cũng phải trải qua một loạt các thực nghiệm tàn khốc như phơi nắng, ngâm mình trong băng giá, không cho ăn uống, tra tấn bằng điện... nhằm giúp Ishii tìm ra "giới hạn" của cơ thể con người có thể đạt được tới đâu.
Thế nhưng, Ishii và những người liên quan đã thành công đàm phán và nhận được quyền miễn trừ khỏi bị truy tố tội ác chiến tranh của Nhật Bản vào năm 1946 trước tòa án Tokyo để đổi lấy những tiết lộ đầy đủ về các công trình nghiên cứu của mình.