Trong các ngày 16, 17 và 18-4, buổi sáng sớm người dân TP.HCM ra đường ngạc nhiên thấy nhiều nơi sương mù dày đặc. Trao đổi với chúng tôi, Th.s Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng Dự báo - phục vụ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đây không phải là hiện tượng sương mù thông thường mà là sương mù do khói bụi.
Nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn từ 3 đến 7 lần
Tháng 4, TP.HCM vào cao điểm mùa nóng. Trên nhiều trục đường lớn giao nhau khắp các quận nội thành thường ùn tắc giao thông. Người đi đường khốn khổ vì nắng nóng và khói bụi của rừng xe máy và ô tô vây quanh. Mới tắc đường chưa đầy năm phút, nhiều người đã thấy chóng mặt, mắt cay sè, nghẹt thở - những triệu chứng của ngộ độc khói xe.
TP.HCM hiện có hơn 2 triệu xe gắn máy và 500.000 ô tô các loại (chưa kể hàng triệu lượt xe ở các tỉnh về TP). Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM cho biết hiện nay xe gắn máy chiếm hơn 80% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành. Đây là đối tượng chính gây gia tăng ô nhiễm không khí cho TP.
Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM cho bi
Người dân TP.HCM mang khẩu trang khi đi ra đường để tự bảo vệ sức khỏe của mình. (Ảnh: H. Thúy) |
Tại 3 trạm quan trắc ô nhiễm do giao thông đặt ở vòng xoay Hàng Xanh, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, kết quả đo được cho thấy nồng độ bụi tại các trạm đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 đến 7 lần, cao nhất là tại vòng xoay Phú Lâm, mức tăng của tháng sau so với tháng trước là 1,24 lần.
Chứa rất nhiều chất độc hại
Theo Th.s Lê Thị Xuân Lan, sương mù bình thường là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Sương mù thường được chia làm các loại: sương mù bức xạ, sương mù bình lưu, sương mù thung lũng, mù khô... Hiện tượng sương mù tại TP.HCM mấy ngày qua được xếp vào loại sương mù bức xạ.
Th.s Lan nói: Chúng ta thường nghĩ rằng sương mù là vô hại, song không phải thế. Bình thường, bức xạ mặt trời sẽ phát tán khói bụi làm tan đi, nhưng khi có sương mù khói bụi bị giữ lại ở gần mặt đất. Nhất là giai đoạn thời tiết giao mùa như hiện nay, khi trời chưa có mưa, sương mù xuất hiện gặp không khí ô nhiễm nên chứa rất nhiều chất độc hại. Khói bụi giao thông càng nhiều, mức ô nhiễm càng cao. Lúc này sương mù chính là khói, bụi lơ lửng cộng với hơi nước, vì vậy sương mù có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của con người.
Cũng theo Th.s Lan, hiện nay chúng ta chưa có giải pháp nào khác ngoài cách tự bảo vệ mình. Khi đi ra đường, nên đeo khẩu trang để tránh hít khói bụi lẫn trong sương mù. Còn các phương tiện giao thông, để tránh tai nạn do hạn chế tầm nhìn cần đi chậm, cẩn thận.
Cần có những giải pháp khoa học quyết liệt Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM đã bố trí 6 trạm quan trắc theo dõi, đo đạc chỉ số các chất thường gây ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giảm tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng trên địa bàn. Các nghiên cứu khoa học đã cảnh báo chất gây ô nhiễm từ khí thải xe cơ giới xâm nhập vào phổi và thậm chí vào máu con người, có thể gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Những tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới có thể dẫn tới các bệnh như vô sinh, tim, thận và ung thư phổi... Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có vật liệu nào có thể giúp chế tạo khẩu trang ngăn các khí độc và chất thải dạng hạt kích thước nhỏ (có trong khí thải động cơ) xâm nhập cơ thể con người. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần có những giải pháp khoa học và quản lý hành chính một cách quyết liệt. Theo kế hoạch, trong năm 2007 Cục Đăng kiểm và Bộ Thương mại sẽ đề xuất tiêu chuẩn nhiên liệu mới cho VN. Với chất lượng nhiên liệu mới sẽ giảm thiểu một số chất hữu cơ gây hại và giúp hệ thống phát thải có khả năng tự lọc bẩn. |
QUANG ÂN - MỸ DUNG