Chỉ con người mới có tóc. Tất cả các loài vật khác chỉ có lông, dù những sợi lông đó mọc trên đầu. Bởi thế, từ rất xa xưa, loài người đã biết làm đẹp với mái tóc của mình. Nhưng mái tóc không phải là vĩnh hằng. Nó rụng, rụng từng sợi một hay rụng cả một mảng lớn. Và đó cũng là một trong những “niềm đau chôn giấu” của nhiều quý ông thời nay.
Tóc phản chiếu thể trạng con người và môi trường sống
Giáo sư JoAnn Manson |
Mặt khác, tóc cũng rất nhạy cảm khi chúng ta bị rơi vào tình trạng quá mệt mỏi, kiệt sức hay phải trải qua một cú sốc mạnh về tâm lý. Khi đó, ở phần chân tóc sẽ xuất hiện nhiều mảng bám do hiện tượng tăng tiết bã nhờn. Thú vị hơn, sợi tóc còn có thể trở thành một thước đo tình trạng sức khoẻ tim mạch của con người. Theo giáo sư JoAnn Manson thuộc Đại học Harvard (Mỹ), những người đàn ông bị rụng tóc ở phần đỉnh đầu có nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch nhiều hơn 34% so với những người chỉ bị rụng tóc ở hai bên thái dương.
Hãy bình tĩnh khi bị rụng tóc
Hiện tượng rụng tóc xảy ra ở khoảng 20% nam giới trong độ tuổi từ 25 - 35, và đến sau 50 tuổi đã có quá 50% số đàn ông bị rụng tóc. Đây quả là một vấn đề mà đa số cánh mày râu đều quan tâm. Một khi đã không may bị rơi vào vòng xoáy này, quý ông có thể đâm ra hoang mang, lo sợ, cảm thấy mình đã “già” đi trước mắt mọi người, người thân và nhất là khi đối diện với phái đẹp. Đây được xem là một hiện tượng tác động sâu sắc đến “ngoại hình” của phái mạnh về phương diện xã hội học. Từ đó, nó đã trở thành một ngành nghiên cứu mũi nhọn của các chuyên gia về tóc, với mục đích ngày càng hoàn thiện những sản phẩm dưỡng tóc, các loại thuốc và phương pháp nhuộm tóc và cuối cùng là tìm ra những phương pháp điều trị chứng hói đầu hiệu quả nhất.
Theo số liệu chuyên môn, 90% trường hợp hói đầu phát xuất từ một nguyên nhân kép: do di truyền và từ tác động của nội tiết tố. Mỗi sợi tóc khi mọc lên đã “ngầm” mang theo một bản mã di truyền từ bố mẹ, khi bố mẹ đã bị rụng tóc hoặc hói đầu thì người con sau này ít nhiều cũng mắc phải. Ngoài ra, khi bản thân đối tượng bị rối loạn chức năng nội tiết tố nam, khi testosterone bị “biến chất” quá nhanh thành dihydrotestosterone, chất này sẽ gây tác hại lên tóc, khiến thời gian phát triển của tóc bị rút ngắn đi và phần chân tóc sẽ sớm bị tiêu huỷ. Thế là tóc sẽ bị rụng sớm. Hơn nữa, theo chuyên gia về các bệnh về da và lông - tóc tại trung tâm Sabouraud ở Paris (Pháp), tóc có thể bị rụng do nguyên nhân tâm lý như stress, do hút thuốc nhiều, do tác động từ những dược chất được sử dụng trong phương pháp hoá trị, khi dùng thuốc chống trầm cảm, chống đông máu. Và không thể không nhắc đến việc ăn uống thiếu chất ở những người có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn: thiếu vitamin, thiếu các chất kẽm và sắt. Từ nhiều nguyên nhân đa dạng trên, mái tóc của chúng ta sẽ bị “tàn phá” và trở nên “mỏng manh” hơn.
Một con số tham khảo: nếu như mỗi ngày bạn bị rụng khoảng 150 sợi tóc thì hãy coi chừng. Đây là hiện tượng rụng tóc bệnh lý và tệ hơn nữa, bạn có thể sắp bị hói đấy! Hẳn nhiên là không ai có đủ thời gian và công sức để mỗi ngày ngồi đếm từng sợi tóc rụng, nhưng nếu bạn cảm thấy và ước đoán được tóc mình bỗng dưng rụng nhiều hơn khoảng 3 lần so với bình thường thì hãy lưu tâm hơn.
Trong tương lai, khi “hói đầu” chỉ còn là kỷ niệm…
(Ảnh: SSTT)
Chỉ riêng tại Pháp có đến 10 triệu đàn ông bị hói đầu. Để bắt kịp những thành tựu mới nhất của các ngành khoa học kỹ thuật của thế kỷ 21, hiện các ngành công nghệ sinh học mũi nhọn như nhân dòng vô tính tế bào và tế bào gốc đang ráo riết nhập cuộc. Tại Đại học British Columbia (Canada), giáo sư Kevin McElwee đã lấy các tế bào chân tóc rồi “photocopy” chúng ra thành nhiều “bản”, sau đó nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm và cuối cùng là tiêm cấy chúng trở lại vào lớp da đầu của bệnh nhân. Sau một thời gian, những “mầm tóc” này sẽ phát triển thành một lớp tóc mới.
Những thử nghiệm đầu tiên theo phương pháp trên đã được công ty Intercytex của Anh tiến hành vào năm 2005 trên 7 người tình nguyện, với kết quả có 5 người được toại nguyện. Trong tháng 6 này, họ sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng khác nhằm khẳng định kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, một hạn chế lớn ở đây là khó tìm được đủ số lượng chân tóc cần thiết!
Hiểu được tình huống này, vào tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia Thuỵ Sĩ đã thử nghiệm sản xuất ra những “chân tóc thành phẩm” từ nguồn nguyên liệu là các tế bào gốc của chúng. Những “sản phẩm chân tóc” này sẽ có khả năng phát triển theo đúng chu kỳ sinh trưởng của vòng đời sợi tóc để cho ra đời một “sợi tóc thật và hoàn hảo”. Đây hẳn là một cuộc cách mạng sinh học mang tính đột phá nhằm giúp những mảng tóc bị rụng có thể mọc lại một cách liên tục.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thành quả mới được áp dụng rộng rãi, các quý ông hiện nay vẫn phải tạm hài lòng với phương pháp cấy tóc. Mặc dù hơi cổ điển, song cũng có trên 60% nam giới đã tìm lại được sự tự tin sau khi thấy lại được mái tóc của mình vẫn còn… xanh!
Làm đẹp cho tóc
(Ảnh: hisandher) |
Từ xưa đến nay, chúng ta từng biết đến nhiều phương pháp nhuộm màu cho tóc. Kể ra thì nhiều, song có một sản phẩm thuộc hàng “top” của năm 2006 tại phương Tây đã được đông đảo công chúng quan tâm: đó là dòng máy “so màu tóc”, hay còn được gọi là sắc kế, thế hệ mới nhất. Loại máy này sẽ giúp khách hàng có thể ngắm nghía và so sánh kỹ lưỡng cách phối màu để có thể lựa chọn cho mình một màu tóc ưng ý nhất.
Còn việc nhuộm tóc bạc đã có rất nhiều phương pháp. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã có một phát hiện quan trọng khi biết được hiện tượng “chết theo” giữa hắc tố bào và một loại enzym có tên là TRP2. Enzym này có chức năng chủ yếu trong việc tạo ra hắc tố, nhưng khi chúng mất đi thì các hắc tố bào cũng không còn tồn tại nữa. Từ đó, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu việc “nhuộm” tóc bạc bằng phương pháp sinh học. Họ đang thử nghiệm cách tạo ra các phân tử “giả danh”. Các phân tử này sẽ “đội lốt” enzym TRP2 để hoạt động, nhằm “đánh lừa” các hắc tố bào, khiến chúng không tự liều mạng tử vong vì tưởng rằng enzym TRP2 vẫn còn đó. Nhưng phải mất một vài năm nữa chúng ta mới rõ được kết quả. Các chuyên gia về tóc đã hứa như vậy!
Tại sao “tóc vàng”?
Nhà nhân loại học người Canada - Peter Frost (Ảnh: sauder.ubc) |
Đàn ông thích các cô gái tóc vàng. Ít nhất là đàn ông phương Tây. Chuyện đã xảy ra vào thời con người còn sống trong hang động. Theo các chuyên gia Nhật, từ một sự đột biến của gen, cô gái tóc vàng đầu tiên đã ra đời cách nay 11.000 năm tại châu Âu, vào cuối kỷ băng hà. Vào thời đó, phụ nữ không thể ra ngoài săn bắt hái lượm do thời tiết quá giá lạnh, họ bị phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông để có thức ăn. Nhưng tỷ lệ đàn ông đã bị “hao hụt” quá nhiều sau các chuyến săn bắt trở về, dẫn đến tình trạng số lượng những anh chàng nào mạnh mẽ sống sót được còn lại khá ít.
Trước tình hình “âm thịnh dương suy” này, thiên nhiên vốn quá khắc nghiệt đã một lần hào phóng, giúp đàn ông thời đó có được một cơ hội để chọn lựa dễ dàng hơn khi họ phải “nhập nhằng” trong một thế giới chỉ có toàn “tóc nâu”: ai cũng như nhau cả! Thế là đã xảy ra một sự đột biến trên gen MC1R, giúp tạo ra một vài đối tượng đặc biệt nổi bật, gây chú ý cho cánh đàn ông, đó là những “kiều nữ tóc vàng”. Theo giải thích của nhà nhân loại học người Canada - Peter Frost, những “nàng tiên tóc vàng” đầu tiên đã ngay lập tức lọt được vào mắt xanh của đối tượng khác giới. Kết quả là một số lượng nhỏ các đàn ông ít ỏi còn lại đã bị hấp dẫn cao độ và đã “lao ngay” vào những “mái tóc vàng” để… duy trì nòi giống. Và màu tóc vàng đã tồn tại cho đến ngày nay.
Theo giáo sư JoAnn Manson thuộc Đại học Harvard (Mỹ), những người đàn ông bị rụng tóc ở phần đỉnh đầu có nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch nhiều hơn 34% so với những người chỉ bị rụng tóc ở hai bên thái dương.
Tóc giúp mang lại cán cân công lý?
Trung bình mỗi tháng tóc mọc thêm ra khoảng 1cm. Do vậy, một sợi tóc dài 6cm sẽ chuyển tải được cho các nhà điều tra những “câu chuyện thật” mà chủ nhân nó đã trải qua trong vòng nửa năm. Tìm được một sợi tóc có lẽ không khó, nhưng nếu muốn có được một sợi tóc còn nguyên vẹn cả phần chân tóc ở những trường hợp nạn nhân tử vong đôi khi là cả một vấn đề.
Trong trường hợp này, các chuyên gia đã đưa ra một giải pháp thay thế: họ sẽ phân tích một loại ADN được gọi là ADNmt (mitochondrial) có trong những bộ ti thể của những sợi tóc bình thường. Nhưng vì ADNmt này chỉ cung cấp được một phần trong toàn bộ mã di truyền của đối tượng do chỉ được truyền sang từ người mẹ, nên theo ý kiến của chuyên gia sinh học phân tử Hélène Pfitzinger và cũng là chuyên gia giám định pháp y, “ADNmt không giúp chúng ta tìm ra chính xác một thủ phạm, nhưng ít nhất nó cũng cho phép chúng ta khả dĩ loại bỏ được một đối tượng ra khỏi danh sách các nghi can”.
Và cũng có một điều rất đáng được lưu ý: chúng ta không thể nào cạo trọc đầu để phi tang mọi dấu vết, vì các mẫu lông khác như lông nách hay lông mu hoàn toàn cung cấp được những thông tin giống hệt như những dữ liệu thu thập được từ trong một sợi tóc. Tóc, vì thế, khi được định nghĩa một cách “pháp luật” nhất, chỉ là những “sợi lông mọc trên đầu” mà thôi!
Tường Nguyễn