Một phần rộng lớn của châu Âu và bắc Mỹ đang đối mặt với một mùa hè nóng khác thường. Nhiều người lại đặt ra câu hỏi vốn đã được lặp đi lặp lại: “Có phải do toàn cầu ấm lên?”.
Một bé trai đang "giải nhiệt" từ vòi nước tại Berlin hôm 19-7 - (Ảnh: Xinhua/AFP) |
Nhiều khu vực rộng lớn của Mỹ và Canada cũng đang chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng này. “Chúng ta đang bị nấu”, nhà khí tượng học Mỹ Dennis Feltgen thuộc Cơ quan thời tiết quốc gia nói.
Nhiều nhà khoa học cho rằng toàn cầu đang ấm lên và sẽ còn tiếp tục nóng lên do “hiệu ứng nhà kính” từ khí thải do các hoạt động của con người đang ngày ngày thải vào không khí. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng chúng ta không nên quy quá nhiều cho hiệu ứng nhà kính hay toàn cầu ấm lên.
Những người hoài nghi giả thuyết này (theo dự báo sẽ gây hạn hán và lũ lụt trong thế kỷ này trừ khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm) nói rằng báo chí đã lợi dụng những ngày hè nóng bỏng này để phóng đại ảnh hưởng của toàn cầu ấm lên. Theo họ, những đợt nóng kỷ lục có thể được xem là một phần của chu kỳ tự nhiên cao và thấp.
Tuy nhiên nhiều nhà khoa học cho biết khuynh hướng toàn cầu ấm lên là điều có thật. Cơ quan không gian Mỹ (NASA) cho biết năm 2005 là năm toàn cầu nóng nhất trong hơn một thế kỷ và 3 năm qua cũng là 3 năm nóng nhất kể từ những năm 1890.
Trung tâm dữ liệu thời tiết quốc gia Mỹ cho biết nửa đầu năm 2006 là 6 tháng nóng nhất kể từ năm 1895. “Nhiệt độ toàn cầu từ năm 1850 đã tăng lên 0,7oC và cho thấy sẽ còn tiếp tục tăng 2-5oC trong thế kỷ này”, Philip Jones, giáo sư nghiên cứu khí hậu tại Trường ĐH East Anglia của Anh nói.
Ngoài nhiệt độ thì còn nhiều bằng chứng khác cho thấy Trái đất đang nóng lên, đó là sự gia tăng của mực nước biển và sụt giảm lượng tuyết. Mực nước biển toàn cầu đang tăng khoảng 1,5 mm mỗi năm và đã tăng khoảng 20 cm kể từ cuối những năm 1800.
Do còn nhiều điều không chắc chắn trong khoa học thay đổi khí hậu, một cơ quan thuộc Liên hiệp quốc - Ủy ban điều tra về thay đổi khí hậu đa chính phủ - đã được thành lập vào năm 1988 nhằm đối chiếu và kiểm tra các cơ sở dữ liệu và báo cáo của họ là yếu tố có ảnh hưởng chính lên các nhà chính trị nhằm quyết định nên có hành động thế nào đối với thay đổi khí hậu.
Ủy ban điều tra về thay đổi khí hậu đa chính phủ sẽ công bố báo cáo thứ tư của mình vào năm tới.
T.VY