Hiện nay, trong số các nguồn năng lượng mới, năng lượng bằng sức gió phát triển nhanh nhất trên thế giới vì nguyên liệu dồi dào, rẻ tiền, dễ áp dụng, sạch và không làm hại môi trường.
Theo Hội đồng năng lượng bằng sức gió thế giới, đến năm 2010, sản lượng điện bằng sức gió toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 149,5 gigawatts (GW), tăng gấp đôi so với sản lượng hiện nay.
Riêng trong năm 2006, các nhà máy điện bằng sức gió trên thế giới đã sản xuất được 74 GW, tăng 25% so với năm trước. Châu Âu vẫn đứng đầu thế giới về sản lượng điện bằng sức gió với công suất lắp đặt là 40.500 MW, chiếm tới 2/3 sản lượng điện gió toàn thế giới. Lượng điện tạo ra bằng sức gió đủ để đáp ứng nhu cầu của 40 triệu người dân.
Ðan Mạch hiện có công suất điện chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới, chiếm 20% tổng sản lượng điện trong nước. Ðan Mạch cũng là nước đi đầu về lắp đặt các nhà máy phát điện gió ở ngoài khơi. Ðức là nước có công suất phát điện gió chiếm 6% sản lượng điện, Tây Ban Nha chiếm tới 8% sản lượng điện của các nước này.
(Ảnh: Business2.com) |
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2006-2010, năng lượng bằng sức gió sẽ phát triển mạnh ở châu Á, đặc biệt là ở các nước Trung Quốc và Ấn Ðộ.
Theo Hiệp hội Năng lượng Gió Trung Quốc, đến nay nước này đã xây dựng 44 nhà máy phát điện chạy bằng sức gió, xếp thứ 10 thế giới và thứ 3 châu Á. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 0,2% tổng công suất điện trong nước.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng tổng công suất lắp đặt điện chạy bằng sức gió lên 5 triệu KW vào cuối năm 2010. Sức hấp dẫn của thị trường lớn về năng lượng tái sinh với chi phí sản xuất thấp ở Trung Quốc tạo môi trường thu hút các công ty trong nước và quốc tế "đổ xô" vào đầu tư xây dựng các khu vực khai thác sức gió hoặc các nhà máy sản xuất thiết bị điện gió trên khắp đất nước này.
Châu Phi là châu lục phát triển chậm nhất về sản xuất năng lượng bằng sức gió. Hiện nay, việc sản xuất điện bằng sức gió chủ yếu mới được tiến hành ở
Ai Cập và Ma-rốc. Dự kiến đến 2010, sản lượng điện bằng sức gió ở châu lục này sẽ đạt 900 MG/năm.
Quang Hiếu