Giám đốc khoa học phụ trách Dự án thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc cho biết Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch đưa tàu lên và thu thập các mẫu vật trên sao Hỏa vào năm 2030.
Ông Ouyang Ziyuan - giám đốc khoa học phụ trách Dự án thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc khẳng định kế hoạch trên sẽ được phân chia thành 3 giai đoạn bao gồm: thăm dò từ xa, hạ cánh an toàn và thám hiểm, cuối cùng là quay trở về Trái đất sau khi tàu vũ trụ tự động thu thập các mẫu thí nghiệm trên bề mặt hành tinh đỏ.
Ông Ziyuan cũng là một trong những thành viên giám sát các cuộc kiểm tra và hoạt động thử nghiệm trên con tàu thám hiểm Mặt trăng - Hằng Nga 3 của Trung Quốc, có khả năng đặt chân lên Mặt trăng vào giai đoạn nửa cuối năm 2013.
Tàu thám hiểm Hằng Nga 3 sẽ giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới truyền thông cũng như đưa các mẫu vật thu thập trên bề mặt Mặt trăng về Trái đất để các nhà khoa học nghiên cứu.
Hằng Nga 3 không chỉ là con tàu vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc đặt chân lên bề mặt Mặt trăng mà còn là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước đột phá mới trong lịch sử phát triển ngành khoa học vũ trụ của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chương trình vũ trụ trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh là một biểu tượng khẳng định vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu cùng sự lớn mạnh về khoa học kỹ thuật đồng thời chứng minh Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thành công khi đưa một quốc gia từng đói nghèo vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, Trung Quốc - cường quốc kinh tế châu Á cũng đang tăng cường hiện thực hoá những chuyến bay vũ trụ có người lái giống như Mỹ.
Trong một thời gian dài, Mỹ được xem là "anh cả" trong lĩnh vực nghiên cứu và khám phá vũ trụ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều chương trình khám phá vũ trụ của Mỹ đã buộc phải hoãn lại, đặc biệt là sự kiện đội tàu con thoi hoạt động gần 30 năm của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về nghỉ hưu.