Chỉ mệt mỏi, biếng ăn kéo dài và sụt cân, đến khi đau dữ dội ở hạ sườn kèm chứng vàng da, đến bệnh viện khám, chị An ở quận 3, TP HCM, bất ngờ nhận kết quả đã bị ung thư gan giai đoạn muộn.
Gan của người bị ung thư và người không mắc bệnh. Ảnh: clinic.com |
Sốc nặng sau khi nghe tin, dù đã nhập viện điều trị, song khủng hoảng tinh thần dẫn đến mất ăn mất ngủ, thân thể suy kiệt, chị An qua đời 3 tháng sau đó để lại hai đứa con thơ.
Cũng mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 3, thế nhưng anh Hà nhà ở Kiên Giang, chị Thủy quê Đồng Nai, thậm chí không hề cảm thấy mệt mỏi biếng ăn hay có triệu chứng gì bất thường cho đến khi bị vàng da, bụng trướng và đau đớn dưới hạ sườn.
"Cơn đau chỉ xảy ra hai tuần trước khi tôi nhập viện. Các bác sĩ cho hay có một khối u trong gan. Tôi hoàn toàn bất ngờ và cảm thấy suy sụp. Thời gian sống của tôi giờ đây chỉ được tính bằng ngày tháng", chị Thủy nói.
Tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu tại TP HCM, hầu hết trường hợp ung thư gan đều có hoàn cảnh tương tự. Nhiều trường hợp nhập viện chưa đến 30 ngày đã qua đời.
Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày, trong khoảng 10 trường hợp mắc ung thư mà bệnh viện này phát hiện thì phần đông rơi vào giai đoạn bệnh đã nặng. Nguyên nhân theo bác sĩ Huy, do ung thư gan ở giai đoạn khởi phát thường không có triệu chứng.
"Một số ít bệnh nhân phát hiện bệnh tình cờ từ những lần khám sức khỏe định kỳ. Còn lại phần lớn, khi đến viện thì bệnh đã quá nặng. Có người khi phát hiện ung thư gan chỉ sống được thêm vài tháng", ông Huy nói.
Lý giải thêm về việc phát hiện bệnh muộn, bác sĩ Huy cho biết thêm, với những khối u nhỏ, nằm ở vị trí khó phát hiện, bệnh nhân thường không có triệu chứng, cho đến khi khối u phát triển to làm căng màng bao gan thì mới thấy đau. Lúc ấy u có thể đã lan đến các bộ phận khác, làm tắc nghẽn ống mật khiến bệnh nhân đau bụng, ăn uống kém, mệt mỏi, sút cân, vàng da, phù nề...
Ông Đào Văn Long, Tổng thư ký Hội khoa học tiêu hóa VN cũng cho hay, mỗi năm có khoảng 10.000 trường hợp mắc mới ung thư gan, hầu hết đều phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Chính vì bệnh ít có biểu hiện và khó chẩn đoán, ông Long cho rằng, việc tiêm vắcxin ngừa viêm gan do virus, thận trọng trong quan hệ tình dục, giảm rượu bia, cẩn trọng với những loại thực phẩm bị nấm mốc là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cũng theo ông Long, tuy không chính xác tuyệt đối, song việc tầm soát bệnh bằng phương pháp siêu âm và xét nghiệm định kỳ là thực sự cần thiết nhằm giúp bác sĩ tìm thấy những yếu tố nghi ngờ.
Khẳng định hiện khó có phương pháp can thiệp hữu hiệu khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ông Phạm Xuân Dũng, cũng cho rằng, phòng bệnh là vấn đề mấu chốt.
"Các biện pháp hóa trị, xạ trị thậm chí hay biện pháp dùng thuốc trúng đích (làm ách tắc mạch máu nuôi tế bào ung thư) cũng chỉ kéo dài thêm sự sống chứ không thể trị dứt bệnh", ông Dũng nói.
Riêng về vấn đề tầm soát bệnh qua khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy cho rằng, men gan cao, nhiễm viêm gan siêu vi B... là những dấu hiệu nguy cơ có thể dẫn đến ung thư gan. Tuy nhiên có những dấu hiệu này chưa hẳn chắc chắn bị ung thư, bởi men gan cao còn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Kể cả khi mắc siêu vi B hoặc C cũng chưa chắc bị ung thư gan.
"Khi kết quả xét nghiệm có ghi những yếu tố nguy cơ, bệnh nhân cần đi đến bác sĩ chuyên khoa để được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu xác định bệnh, trước khi phát hoảng lo lắng đến mất ăn mất ngủ", ông Huy nói.