Người bệnh ung thư hạch bạch huyết có thể mệt mỏi, chán ăn, sốt không rõ nguyên nhân, sưng hạch ở cổ, nách, bẹn…
Tìm hiểu về ung thư hạch bạch huyết
Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) là sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào bạch cầu lympho, ảnh hưởng đến các cơ quan trong hệ thống bạch huyết và bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh gồm hai loại chính là u lympho không hodgkin (khoảng 90%) và u lympho hodgkin.
Ung thư hạch bạch huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn nữ giới. Độ tuổi mắc bệnh trung bình được ghi nhận 50-60 tuổi. Hiện, tỷ lệ mắc ung thư hạch bạch huyết có xu hướng tăng, thường gặp ở người lớn tuổi.
ThS.BS Trần Ngọc Hải, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số dấu hiệu ung thư hạch bạch huyết điển hình như các hạch sưng tấy có thể nhìn thấy hoặc sờ được. Người bệnh có thể sốt không rõ nguyên nhân, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, xuất huyết, phát ban, ngứa.
Ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng tăng dần về tần suất và mức độ. Người bệnh có thể bị thiếu máu (da xanh xao, mệt mỏi, ù tai...) do tế bào u xâm nhập tủy.
U lympho thâm nhập màng não hoặc hệ thần kinh trung ương gây nhức đầu, hôn mê, co giật, bệnh thần kinh sọ não. Triệu chứng khó thở, thở rít, thở khò khè, thở gấp do tắc nghẽn đường thở. Chèn ép màng ngoài tim dẫn đến các dấu hiệu đau ngực, hạ huyết áp, phù ngoại vi.
Triệu chứng của ung thư hạch bạch huyết
Dấu hiệu cảnh báo khác như nôn, nôn ra máu, vàng da, táo bón do tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc suy gan. Đau hông, đau vùng chậu, tiểu khó, tiểu ra máu do thận ứ nước, suy tim, rối loạn nhịp tim, co giật, chuột rút cơ cũng có thể do ung thư hạch bạch huyết.
Hạch sưng kèm triệu chứng mệt mỏi, sốt không rõ nguyên nhân là dấu hiệu bất thường cần khám. (Ảnh: Freepik).
Yếu tố nguy cơ
Theo bác sĩ Hải, ung thư hạch bạch huyết phổ biến ở người trên 55 tuổi. Các yếu tố về môi trường, di truyền, nhiễm trùng có liên quan đến loại ung thư này. Một số tình trạng như nhiễm helicobacter pylori trong u lympho MALT, virus epstein-barr, virus viêm gan C... làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ghép tạng, các rối loạn gây thiếu hụt miễn dịch di truyền... có nguy cơ mắc ung thư hạch bạch huyết cao. Các yếu tố khác như bệnh tự miễn (ví dụ viêm khớp dạng thấp, viêm ruột), phơi nhiễm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu...
Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Người có dấu hiệu ung thư hạch bạch huyết nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ khám toàn thân, khai thác bệnh sử, có thể kết hợp sinh thiết hạch, chọc hút, sinh thiết tủy (khi có chỉ định), siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, PET/CT... để chẩn đoán bệnh.
Tùy giai đoạn bệnh, tính chất khối u, vị trí biểu hiện, tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp sinh học, liệu pháp miễn dịch, ghép tế bào gốc...
Một số cách giảm nguy cơ mắc ung thư hạch như kiểm soát cân nặng, hạn chế tiếp xúc với hóa chất như benzen trong thuốc trừ sâu, tránh tiếp xúc với tia bức xạ, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Thực đơn hàng ngày nên bổ sung ngũ cốc, rau xanh, trái cây; hạn chế chất béo có hại, thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn, tránh thuốc lá, rượu bia...
Bệnh không lây từ người này sang người khác nhưng có tính di truyền. Người có nguy cơ cao nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.