Trong lịch sử Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, vàng được xem là chất liệu quyền quý nhất, tượng trưng cho sự vương giả của bậc vua chúa.
Ngay từ đầu, vàng đã hấp dẫn các nền văn minh trên toàn thế giới. Kể từ khi được phát hiện, vàng đã được coi một biểu tượng của vẻ đẹp, quyền lực, sự thuần khiết và thành tựu. Vẻ đẹp tự nhiên của vàng không chỉ khiến nó trở nên quý giá một cách bí ẩn mà còn có thể là kim loại hữu ích nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, qua mỗi đời vua cũng như triều đại đều có những nét riêng, tạo nên bản sắc. Song chỉ có duy nhất vàng vẫn luôn được xem là biểu tượng cho quyền lực tối thượng, thậm chí góp phần không nhỏ trong việc phân chia giai cấp xã hội.
Kim loại quý hiếm
Vàng là kim loại quý hiếm.
Vàng là kim loại quý hiếm, thường được sử dụng làm chất phản xạ neutron trong vũ khí hạt nhân (w71), để đúc tiền, đồ trang sức và nhiều loại hình nghệ thuật khác trong suốt lịch sử được ghi lại.
Cho đến nay, tổng sản lượng vàng do con người khai thác chỉ đạt xấp xỉ 190.000 tấn. Trong đó hơn 2/3 được khai thác sau năm 1950. Như vậy trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, lượng vàng sở hữu bởi con người là tương đối thấp.
Do sản lượng vàng rất khan hiếm, nên thứ kim loại này thường không được đưa vào giao thương, mà chủ yếu được dùng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp.
Dự trữ vàng cũng được xem là một phần trong tổng tài sản của một quốc gia. Trong quá khứ, vàng được các nhà cầm quyền và chính phủ tích lũy chủ yếu để đáp ứng chi phí tiến hành chiến tranh và trong hầu hết các thời đại, chính sách của chính phủ thường nhấn mạnh đến việc mua và giữ "kho báu".
Vào cuối năm 2020, một tiết lộ cho biết trữ lượng vàng dưới lòng đất sẽ cạn kiệt trong 18 năm tới, trừ khi phát hiện được những mỏ vàng mới.
Vàng là thước đo giai cấp xã hội
Trong suốt các thời kỳ lịch sử của các triều đại, vàng luôn là thứ kim loại được đánh giá rất cao. Đi cùng với nó luôn có một ý nghĩa mang tính biểu tượng mạnh mẽ, cũng như đóng vai trò liên kết chặt chẽ với các giá trị địa vị cao nhất trong xã hội.
Nguyên nhân vàng được chọn làm biểu tượng cho cung đình, dành riêng cho bậc vua chúa, liên quan nhiều đến thuyết Ngũ hành. Theo đó, nếu chiếu theo thuyết Ngũ hành thì màu vàng ứng với Đất (Thổ).
Ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong Điện Thái Hòa (Hoàng thành Huế).
Vì vậy, người xưa cho rằng đây là màu phù hợp để đại diện cho quyền uy của thiên tử. Từ đó, trong các triều đại phong kiến phương Đông, sắc vàng chỉ xuất hiện trên các phục sức của vua chúa, và vàng được sử dụng như một biểu tượng cho quyền lực, sự giàu có.
Theo ghi chép của lịch sử Việt Nam, hoàng cung triều Nguyễn từng rất ưa chuộng vàng. Từ thời các chúa Nguyễn (tiền nhân của nhà Nguyễn) khi xây dựng chính quyền Đàng Trong (1558-1777) đã bắt đầu thực thi chính sách khai thác vàng và phát triển nghề kim hoàn chế tác.
Các chúa Nguyễn thậm chí cấp phát lương thực, khuyến khích người dân khai thác vàng cho triều đình, lập đội tìm vàng chuyên nghiệp trên đất liền, cũng như thu nhặt vàng bạc, hàng hóa từ tàu thuyền nước ngoài bị đắm ở các vùng biển.
Trước đó, sử sách ghi chép rằng những trang phục có sắc vàng từng bị cấm trong dân gian từ khoảng năm 1182 khi triều đình thắt chặt quy định, nhằm khẳng định thước đo giai cấp xã hội.
Sắc vàng khi ấy chỉ được phép xuất hiện trên long phục của vua chúa để thể hiện sự quyền uy. Dưới thời Nguyễn, thậm chí còn có sự phân định vai vế và giai cấp qua các sắc độ của màu vàng.
Báu vật quốc gia
Hình ảnh ấn vàng triều Nguyễn được giới thiệu trên trang web chính thức của nhà đấu giá MILLON. (Ảnh: Millon).
Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Về cấu trúc và kiểu dáng, các bảo tỷ nói chung bao gồm 2 phần: Thân ấn và quai ấn. Biểu tượng chủ yếu trên ấn là con rồng, chân có năm móng.
Kim bảo, ngọc tỷ đều có chức năng riêng. Điển hình như chiếc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo có từ thời các chúa được dùng như báu vật lưu truyền của họ Nguyễn; chiếc Phong Tặng chi bảo và Sắc mệnh chi bảo dùng đóng các bản sắc, cáo phong tặng quan lại văn võ, thần kỳ trong nước; chiếc Khâm văn chi tỷ chỉ đóng trên các văn kiện về văn hóa như cầu hiền tài, mở khoa thi, làm sách…
Ngoài các kim bảo ngọc tỷ dùng trong chính sự cũng có loại dùng để tấn tôn tước hiệu (thường kèm với kim sách), để thờ cúng (đối với hoàng đế đã băng hà), hay chỉ để đóng trên thi phú, tranh họa sáng tác khi nhàn rỗi, như Tự Đức thần hàn, Khải Định thần hàn...
Có thể thấy kim bảo, ngọc tỷ đều là những báu vật của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số chiếc ấn có tính biểu tượng đã bị thất lạc, bị đánh cắp hoặc tiêu hủy xuyên suốt lịch sử phát triển của các triều đại.
Tính đến nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn còn giữ được 85 chiếc ấn bằng vàng, bằng ngọc quý, bằng bạc của triều Nguyễn.