Tại sao hoa sen trở thành biểu tượng của nhà Phật?

  •  
  • 1.888

Truyền thuyết kể rằng, hoa sen không phải là thứ hoa nơi trần thế mà bắt nguồn từ thiên thượng, là biểu tượng thanh tịnh của cõi Phật. Từ tranh, tượng, bất cứ nơi nào có hình tượng Phật, chúng ta đều thấy vị Phật ngồi xếp bằng trên đài hoa sen. Theo kinh điển Phật giáo, Phật tọa tòa sen mang một ý nghĩa thanh cao: Phật Pháp thì trang nghiêm thần diệu, mà hoa sen lại mềm mại, thanh tịnh và ngan ngát hương thơm. Cho nên, đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh, là nơi Phật có thể tĩnh tọa.

Lại có một truyền thuyết kể rằng, một ngày, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Phật không thuyết Pháp mà chỉ lặng lẽ đưa lên một đóa sen. Khi đại chúng còn đang ngơ ngác chẳng hiểu, thì chỉ có đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các tì kheo: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Có thể thấy, hoa sen không chỉ là một loài hoa đơn thuần, mà còn biểu tượng cho Phật tính và giác ngộ.

Hoa sen ngụ ý rằng sinh mệnh sinh ra trong sinh tử phiền não, nhờ tu luyện mà thoát khỏi sinh tử phiền não. Hoa sen mọc dưới bùn dơ, cũng giống như con người qua bao kiếp bao đời đã trầm luân trong bể sầu nhân thế. Rồi hoa vươn lên thẳng tắp, cũng chính là quá trình tu luyện, rũ khỏi bùn nhơ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Khi đóa hoa nhô lên khỏi mặt nước, cũng là lúc những cánh sen bừng nở, tỏa hương ngan ngát dưới ánh mặt trời, đó là lúc Phật tính nhờ tu luyện mà giác ngộ, hoa đại mãn khai.

Hoa sen là biểu tượng cho Phật tính và giác ngộ.
Hoa sen là biểu tượng cho Phật tính và giác ngộ.

Có thể nói hoa sen là một đặc trưng mà phần lớn rãi rác trong các kinh điển Phật giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển đều có đề cập đến. Một bộ Kinh Đại Thừa trọng đại mà hầu hết Phật tử thuộc Phật giáo Bắc Tông ít nhiều đều có đọc tụng qua, chẳng những đọc tụng thôi mà còn quan tâm nghiên cứu học hỏi nữa, đó là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Ngoài ra, hoa sen còn được biểu trưng qua những lĩnh vực khác mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc theo Phật giáo. Nhất là đối với các nước Phật giáo Á Châu. Đối với các nước Phật giáo Á Châu, tiêu biểu là Trung Hoa và Việt Nam… hoa sen được trưng bày trong chùa hoặc qua các phù hiệu cờ đoàn hay các phù hiệu khác của một vài đoàn thể trong Phật giáo. Như đoàn thể Gia Đình Phật Tử chẳng hạn. Và trong các Tông phái Phật giáo có một Tông lấy hoa sen mà đặt tên cho một Tông phái, đó là Tịnh Độ Tông, còn gọi là Liên Tông.

Như vậy, cho chúng ta thấy một cách khái quát rằng, hình ảnh hoa sen trong Phật giáo cái thâm nghĩa của nó quan trọng đến ngần nào. Vì thế chúng tôi chỉ xin giải thích một cách khái lược qua một vài đặc tính tiêu biểu mang tính ẩn nghĩa trong giáo lý Phật giáo mà thôi.

Hoa sen còn là quốc hoa của Việt Nam.
Hoa sen còn là quốc hoa của Việt Nam.

Đại loại hoa sen có 8 đặc tính tuyệt diệu sau đây:

  • 1. Không nhiễm.
  • 2. Trừng thanh.
  • 3. Kiên nhẫn.
  • 4. Viên dung
  • 5. Thanh lương.
  • 6. Hành trực.
  • 7. Ngẩu không.
  • 8. Bồng thực.

Cụ thể là:

1. Đặc tính không nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng tính chất của nó vẫn không mang mùi hôi của bùn.

2. Trừng thanh: Trừng thanh là lóng trong. Điểm đặc biệt là chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước không bao giờ đục. Do đó, khi chúng ta hái hoa sen, thì khỏi cần phải rửa, bởi hoa sen không dính bùn nhơ. Bởi vì bản chất của nó mang sẵn tính trừng thanh. Điều nầy để nói lên cái ý nghĩa biểu trưng rằng, nơi nào có chư Phật, Bồ tát ra đời, thì nơi đó sẽ đem lại cho chúng sanh có sự an ổn mát dịu.

3. Kiên nhẫn: Như chúng ta đã biết, hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. Hoa sen mang đặc tính kiên nhẫn rất là kỳ thú. Rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tánh kiên nhẫn. Đức tánh nầy, rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người nào có đức tánh kiên nhẫn nầy, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được.

4. Tánh Viên Dung: Đức tánh nầy, đặc biệt chỉ có hoa sen mới có. Vì hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tánh viên giác của mỗi chúng sanh sẵn có. Tánh viên giác vượt ngoài phạm trù nhân duyên đối đãi.

5. Thanh Lương: Thông thường các loài hoa thi nhau đua nở vào mùa Xuân, vì mùa Xuân là mùa mát mẻ. Ngược lại, chúng không thể nở hoa vào mùa Thu hay mùa Ðông. Vì mùa Thu là mùa hay có mưa phùn còn mùa Ðông thì giá lạnh. Do đó, không thích hợp cho các loài hoa khai hoa nở nhụy.

Khác hơn các loài hoa khác, hoa sen lại nở vào mùa Hạ, đây là mùa nóng bức. Điều nầy, để nói lên ý nghĩa chư Phật Bồ tát ra đời trong cõi đời ngũ trược, chúng sanh dẩy đầy phiền não, bức bách khó chịu, các Ngài mang lại nước cam lồ từ bi để tưới tẩm làm mát dịu cho mọi người.

6. Hành trực: Hành trực là chỉ cho thân ngay thẳng. Không có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình (cọng sen) ngay thẳng như hoa sen. Điều này, để tiêu biểu: “người tu hành cần phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng”.

Đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh là nơi Phật có thể tĩnh tọa.
Đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh là nơi Phật có thể tĩnh tọa.

7. Ngẩu không: Hoa sen tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt nầy để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần phải có tánh hỷ xả. Hai đức tánh nầy Bồ tát luôn thực hiện. Nói đến hạnh hỷ xả, chúng ta liền nghĩ ngay đến Bồ tát Di Lặc.

8. Bồng thực: Các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hột sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.

Cập nhật: 15/05/2020 Theo kienthuc/khoevadep
  • 1.888