Lớp áo lông của loài thú khổng lồ thời tiền sử đã được các nhà khoa học nhận diện. Một số con vật có ngà lông xoăn "diện" bộ cánh nâu sẫm, trong khi những con khác có màu hoe nhạt hoặc hoe vàng.
Thông tin được thu thập từ một bộ xương voi ma mút có lông, sống cách đây 43.000 năm tại Siberi, bằng công nghệ gene mới nhất.
Voi ma mút có cả bộ lông sáng và sẫm màu (Ảnh: LiveSciences)
Các nhà nghiên cứu cho biết một gene có tên gọi Mc1r đóng vai trò kiểm soát màu lông của loài dã thú này.
Voi ma mút mang hai phiên bản của gene Mc1r. Hai phiên bản này chỉ khác nhau ở 3 amino axit (hay các "ký tự" ADN), khiến cho một dạng hoạt động bán phần và dạng kia hoạt động toàn phần.
Những con voi mang phiên bản Mc1r hoạt động bán phần sẽ có bộ lông nhạt màu, trong khi những con có phiên bản hoạt động mạnh có màu lông sẫm.
Gene Mc1r cũng chịu trách nhiệm tạo ra màu lông cho một số loài thú hiện đại ngày nay. Ở người, gene Mc1r hoạt động yếu hơn đã tạo ra màu tóc đỏ, trong khi ở chó, chuột và ngựa, nó là tác giả của màu lông vàng.
Phát hiện được thực hiện bởi Holger Rompler từ Đại học Leipzig, Đức.
Khác với con người, lông của voi ma mút có thể không trở nên "hoa râm" theo tuổi tác. "Hầu hết các loài thú đều không bị xám đi khi về già. Chúng tôi không thực sự biết tại sao con người lại như vậy".
Voi ma mút đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước. Các nhà khoa học không rõ phải chăng điều kiện khí hậu hay sự săn bắn của con người đã đẩy chúng tới thảm cảnh đó. Một số chuyên gia đề xuất việc sử dụng ADN để tái sinh loài thú khổng lồ này.
T. An