Mọi thông tin liên lạc với vệ tinh duy nhất của Ấn Độ quay quanh quỹ đạo mặt trăng đều đã bị cắt đứt, cơ quan vũ trụ nước này cho hay.
Liên lạc bằng radio với thiết bị thăm dò không người lái Chandrayaan-1 đột ngột biến mất sáng hôm qua. Tàu này được phóng lên hồi tháng 10 năm ngoái, là một phần trong chương trình thăm dò dự kiến kéo dài hai năm. Dự án này được coi là một bước đi quan trọng của Ấn Độ trong việc chạy đua với các quốc gia có công nghệ vũ trụ khác ở châu Á.
Chandrayaan-1 được lập kế hoạch để thăm dò quỹ đạo mặt trang, chụp các tập atlas 3D về bề mặt và sự phân bố địa hình của "chị Hằng".
Tên lửa đưa tàu thám hiểm không người lái Chandrayaan-1 lên không trung ngà 22/10/2008. |
Tuy nhiên tháng trước, đã có trục trặc đối với thiết bị này, do một thiết bị cảm biến bị hỏng. Một phát ngôn viên cơ quan vũ trụ Ấn Độ cho BBC hay là vào thời điểm đó các thông tin hữu ích đã được vệ tinh thu thập và gửi về trái đất, tuy nhiên chất lượng ảnh không được tốt.
Chandrayaan-1 chạy bằng một tấm pin năng lượng mặt trời có công suất khoảng 700 watt. Dự án thăm dò tiêu tốn khoảng 78 triệu USD, thấp hơn so với chi phí mà Nhật hay Trung Quốc bỏ ta để đưa thiết bị khảo sát lên mặt trăng cùng năm ngoái.
Tuy nhiên chương trình vũ trụ của Ấn Độ vấp phải ít nhiều sự phản đối. Những người không ủng hộ chương trình cho rằng đây là sự lãng phí tiền của, trong khi còn hàng triệu người dân Ấn đang thiếu những điều kiện cơ bản trong cuộc sống.
Bề mặt của mặt trăng, trong một bức ảnh do tàu thăm dò Chandrayaan-1 gửi về trái đất. (Ảnh: Reuters) |