Ăn Tết tránh đổ bệnh với người yếu tim

  •  
  • 280

Người bệnh tim nên hạn chế bánh chưng, giò chả, lạp xưởng, mứt, các loại thức uống có cồn... những ngày Tết.

Ngày Tết mọi người sinh hoạt ít điều độ, thường ăn không đúng bữa, dùng thực phẩm đa dạng, chủ yếu là thịt cá, ít các món rau, uống bia rượu cũng vượt ngày thường. Điều này gây nhiều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là người bệnh tim mạch.

Lưu ý trong ăn uống dịp Tết đối với người bệnh tim

  • Các loại bánh mứt có hàm lượng đường cao, dễ gây tăng đường huyết, đặc biệt bệnh nhân tim mạch kèm đái tháo đường cần hạn chế tối đa.
  • Bánh chưng, bánh tét chứa nhiều tinh bột, thường ăn kèm dưa món và nước mắm với hàm lượng muối cao, có thể làm trở nặng tình trạng tăng huyết áp nên cũng cần hạn chế.
  • Các loại giò, chả cũng có nhiều đạm, chất béo và các acid béo no bão hòa, góp phần làm tăng nặng tình trạng rối loạn lipid máu, cần sử dụng ít.
  • Các loại thực phẩm khô như lạp xưởng chứa rất nhiều chất béo và muối, nên hạn chế để tránh làm nặng hơn tình trạng tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Thực phẩm ngày Tết thường nhiều năng lượng, gây hại sức khỏe tim mạch.
Thực phẩm ngày Tết thường nhiều năng lượng, gây hại sức khỏe tim mạch. (Ảnh minh họa: anhson).

Ngày Tết cũng khiến nhiều người tăng cân, ảnh hưởng đến chỉ số khối cơ thể, diễn tiến trực tiếp đến tình trạng tim mạch. Để tránh tăng cân, cần hạn chế tình trạng ăn nhiều bữa liên tục hoặc ăn thêm khi đã đủ no, ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu năng lượng. Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây.

Tiêu thụ nhiều thức uống có cồn như bia, rượu... khi hấp thu vào máu có thể làm nhịp tim nhanh, tăng huyết áp. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu oxy của tim và mức độ tưới máu cho cơ tim. Cồn còn gây độc trực tiếp cho cơ tim, dẫn đến xơ hóa cơ tim và là yếu tố tiềm ẩn cho các loại rối loạn nhịp tim.

Thức uống có cồn còn ảnh hưởng đến não bộ, khiến thông tin truyền đi trong não bộ chậm hơn so với bình thường, làm cho vỏ não không còn kiểm soát được hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra hành động tiêu cực ở người uống rượu như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm và mất kiểm soát hành vi. Rượu bia cũng gây hại đến gan, nặng nề nhất là gây viêm gan cấp do rượu hay gây viêm tụy cấp. Bất cứ tình trạng nào trên đây cũng có thể ảnh hưởng đến trái tim của người bệnh, vốn đã không được tưới máu đầy đủ như những người bình thường.

Các bệnh nhân có bệnh lý mạch vành dù đã can thiệp đặt stent hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành cũng cần phải tuân thủ chế độ ăn do bác sĩ điều trị tư vấn. Cần nhớ bệnh mạch vành là bệnh diễn tiến, phẫu thuật hay đặt stent chỉ nhằm tái tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu chứ không làm mạch vành trở lại bình thường. Mạch vành vẫn sẽ tiếp tục hẹp dần, tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc tuân thủ điều trị của người bệnh.

Cập nhật: 25/01/2017 Theo VnExpress
  • 280