Ăn thịt thú hoang dã - thói quen nghìn năm làm hại người Trung Quốc

  •  
  • 956

Niềm tin về công dụng thần kỳ cho sức khỏe, danh vọng xã hội, khiến người Trung Quốc tiếp tục thói quen ăn thịt động vật hoang dã đang bị chỉ trích là mang lại nguy cơ nhiễm bệnh.

Tại Trung Quốc, thói quen ăn thịt cầy hương, nhím, cũng như các loài động vật hoang dã của người dân đã kéo dài nhiều thế kỷ. Nhưng nay, thói quen ấy một lần nữa trở thành tâm điểm chỉ trích khi các nhà khoa học lần theo nguồn gốc chủng mới virus corona và tìm ra chúng tồn tại trên loài dơi, với nghi ngờ đây chính là vật chủ phát tán virus.

Những năm gần đây, người dân các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm việc ăn thịt các loài động vật hoang dã, thế nhưng, thói quen này vẫn tồn tại trong nhiều cộng đồng dân cư. Ngoài niềm tin kỳ lạ về những công dụng thần kỳ cho sức khỏe, nhiều người tiếp tục ăn thịt động vật hoang dã như một cách để khoe khoang sự giàu có, trong bối cảnh giới nhà giàu và trung lưu tại Trung Quốc ngày một đông đúc.

Khoe khoang giàu sang, tin công dụng sức khỏe

Vào bữa tối ngay trước Tết nguyên đán hôm 24/1, một gia đình tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tranh luận về lợi ích và tác hại của thói quen ăn thịt các loài động vật hoang dã. Những người này buộc phải dành toàn bộ kỳ nghỉ Tết tại nhà do sự bùng phát của chủng mới virus corona.

"Con không thể tin là người ta có thể ăn thịt chuột và dơi", người con trai 26 tuổi tuyên bố, trong giọng nói có thể thấy sự kinh sợ.

Một số báo cáo đã cho thấy chủng mới của virus corona đã nhảy từ dơi sang con người thông qua một số vật chủ tạm thời như rắn và chuột, bán tại các chợ động vật thiếu vệ sinh ở thành phố Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh.

Sau cuộc tranh luận sôi nổi, người chị gái nhắc nhở em trai về thực tế là gia đình này cũng từng ăn thịt động vật hoang dã vài năm trước. Đó là khi người quen của gia đình tặng họ một con hươu. Cậu em trai nhớ lại và bình phẩm thịt hươu ăn không khác gì thịt bò dai.


Cày hương là động vật có thịt được người Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: Reuters).

Tại Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các loại thịt bò, thịt gà, thịt lợn luôn xếp đầy các kệ hàng trong siêu thị. Thế nhưng, nhiều người vẫn có xu hướng tìm tới những loài động vật hoang dã. Những loài vật mà người dân Trung Quốc ưa chuộng có thể kể đến chuột, cáo, cày hương, nhím, thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng được bảo vệ.

Vấn đề dai dẳng về ăn thịt động vật hoang dã một phần nằm ở danh tiếng xã hội. Việc ăn thịt những loài động vật hiếm, đắt tiền là cái cách thể hiện sự giàu sang. Nhiều người sử dụng thịt động vật hoang dã làm quà biếu cho những đối tượng quan trọng, như cái cách gia đình tại Quảng Châu đã nhận được quà biếu là những con hươu.

Đối với giới trẻ, việc ăn thịt động vật hoang dã cũng là cách đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Đoạn video một phụ nữ ăn nguyên một con dơi đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội vào giữa tháng 1, làm dấy lên sự chỉ trích trong bối cảnh virus corona khi đó bắt đầu lan rộng. Nhiều người sau đó đã phải xóa bài đăng liên quan tới động vật hoang dã.

Lý do lớn nhất khiến nhiều người Trung Quốc trung thành với thói quen ăn thịt động vật hoang dã là niềm tin vào công dụng của chúng với sức khỏe.

Một số ý kiến khẳng định công dụng này xuất phát từ thực tế động vật hoang dã không ăn thức ăn công nghiệp và sử dụng thuốc của con người. Một số ý kiến lại nêu ra mối liên hệ giữa động vật hoang dã với các bài thuốc truyền thống của Trung Quốc.

Niềm tin thiếu cơ sở

Niềm tin của người Trung Quốc vào thịt động vật hoang dã liên quan tới y học cổ truyền xuất phát từ cuốn Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, tài liệu y học có từ thời Minh trong đó nêu lên công dụng và dược tính của 1.900 loài thực vật, khoáng chất và động vật. Trong đó, loài dơi được miêu tả là giúp chống lại bệnh viêm thực quản và ho dai dẳng.

Y học hiện đại, thực tế, đã bác bỏ những thông tin như vậy.

"Nhiều người tin rằng thuốc cổ truyền có nghĩa là ăn thịt động vật hoang dã, nhưng họ đã nhầm. Bác sĩ nào lại khuyên bệnh nhân ăn vi trùng cơ chứ? Đó chỉ là một loại thức ăn cổ truyền, một phương thức dân gian dựa trên những suy nghĩ bừa bãi mà thôi", một dược sĩ 55 tuổi tại Quảng Châu cho biết.

Một bác sĩ đông y tại bệnh viện lớn ở thành phố Quảng Châu cho biết động vật hoang dã có thể đóng vai trò trong một số loại thuốc, tuy nhiên nhấn mạnh rằng các chuyên gia luôn làm sạch và xử lý y tế các loài sinh vật trước khi chiết xuất những gì cần thiết từ chúng.


Nhà chức trách thu giữ động vật tại chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters).

Covid-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên làm dấy lên sự chỉ trích nhắm vào thói quen tiêu thụ thịt động vật hoang dã tại Trung Quốc.

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp SARS bùng phát tại tỉnh Quảng Đông năm 2002, sau đó làn rộng ra toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng cầy hương là loài đã truyền virus sang con người. Chính quyền Trung Quốc khi đó đã cấm các chợ và nhà hàng mua bán động vật hoang dã.

So với năm 1999, số lượng nhà hàng bán động vật hoang dã đã giảm 6,6% vào năm 2005. Trong khi đó, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc cho biết tỷ lệ người dân chưa từng ăn thử thịt động vật hoang dã tại nước này đã tăng từ khoảng 30% lên 71,7% trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra khẩn cấp trong bối cảnh chủng mới của virus corona xuất hiện, nhà chức trách Trung Quốc khám phá ra số lượng lớn doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh động vật hoang dã, cả ở nông thôn cũng như các thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, hay như tại Vũ Hán.

Bùng phát Covid-19 càng thổi bùng sự chỉ trích đối với hành vi ăn thịt động vật hoang dã.

Tuy nhiên, đây là thói quen ẩm thực đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, và không ai có thể bảo đảm virus corona sẽ thay đổi thái độ về danh vọng xã hội hay lợi ích về sức khỏe dù không có cơ sở khoa học trong suy nghĩ của người dân Trung Quốc.

Cập nhật: 18/02/2020 Theo Zing
  • 956