Ân tình với nước Việt của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin

  •   53
  • 827

Yersin thích sống chung với người dân nghèo. Ở xóm Cồn, chẳng bao lâu ông trở thành người bạn lớn của đám trẻ. Thỉnh thoảng, ông cho chúng kẹo, tiền lẻ để mua quà. Ông thường xuyên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo.

Chỗ ở của Yersin tại xóm Cồn gần cửa sông Cái vốn là một lô cốt 2 tầng bỏ hoang lâu ngày. Lô cốt mỗi bề 7,5m. Ở 2 tầng trên, 4 phía đều có hành lang để quan sát.

Nhà nghỉ Bộ Công An
Nhà nghỉ Bộ Công An - nơi trước đây là nhà lầu ông Năm.

Ông dùng tầng trệt làm phòng ăn, tầng 1 là phòng làm việc, tầng 2 phòng ngủ. Sau này ông làm thêm trên nóc một vòng tròn để dựng kính thiên văn. Nhờ kính này, ông biết được thời tiết nắng mưa.

Mỗi lần sắp có bão to, ông treo ngọn đèn rất sáng ở một cột cao ngay trên nóc nhà báo cho dân xóm Cồn biết để không ra khơi. Nhờ vậy, người dân xóm Cồn tránh được những trận bão lớn.

Ông bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước, đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng. Ngoài ra, ông còn dành một tủ sách lớn cho bọn trẻ vào đọc. Ông dạy chúng thiên văn và dự báo khí tượng.

Người dân nơi đây hàng ngày tiếp xúc với ông họ không còn cảm giác như tiếp xúc với người nước ngoài. Nhờ vào sự cởi mở và tấm lòng nhân từ, ông rất được người dân yêu quý.

Đường vào xóm Cồn
Đường vào xóm Cồn. Ngày xưa nơi đây tập trung những hộ dân sống nghề chài lưới.

Hàng ngày ông đi sâu vào sinh hoạt của người dân. Những lần ông gặp các cuộc cãi vã do tranh giành quyền lợi, những lần đánh nhau vì say rượu, những thói hư tật xấu ông lẳng lặng quay phim.

Sau đó, ông gặp lại bà con, chiếu những thước phim mang đầy những chuyện không hay ấy. Người trong cuộc có lỗi hay không khi xem đến đều cảm thấy xấu hổ. Từ đó, xóm Cồn bớt đi người say rượu, chửi rủa.

Ông thạo tiếng Việt, sống chan hòa vui buồn cùng bà con. Bà con thương mến gọi ông là "ông Năm". Ông luôn giúp đỡ bất cứ ai những khi cần. Đầu năm 1943, ông đau nặng.

Sáng ngày 1/3 năm ấy, ông nhờ người giúp việc già đưa ông ra bên cửa sổ. Ông nhìn biển rồi lặng lẽ ra đi. Người dân xóm Cồn và Nha Trang đều bàng hoàng khi nghe tin ông qua đời.

Mấy ngày sau đó, không một chiếc ghe nào ra khơi. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc của những người đã từng được ông cưu mang vang lên.

Người người tiếc thương ông. Nhiều nơi, bà con lập trang thờ cúng ông. Đám tang ông không rình rang, đình đám nhưng dòng người đưa tiễn kéo dài nhiều km...

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943).
Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943). (Ảnh tư liệu).

Nơi ông ở được bà con gọi là lầu ông Năm. Năm 1977, nơi đây bị đập bỏ, sau đó được thay bằng khu nhà của Bộ Công an.

Nặng nợ Quinquina

Sống tại xóm Cồn được 2 năm, năm 1893, dịch hạch bùng nổ khắp vùng Viễn Đông làm ông trăn trở rất nhiều. Bác sĩ Yersin đã đến Hong Kong.

Tại đây ông nghiên cứu phương thức tiêu diệt dịch bệnh. Ông đã thành công khi tìm ra được vi khuẩn dịch hạch. Thế giới ngưỡng mộ ông đã đặt tên cho vi khuẩn này là Yersinina Pestis.

Năm 1895 ông cùng bác sĩ Calmette lập ra một phòng thí nghiệm. Cơ sở ban đầu chỉ là một căn nhà tạm với 20 con ngựa dùng điều chế huyết thanh.

Một bác sĩ thú y cùng làm việc với ông nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông này qua đời. Tiếp đến một số trong 20 con ngựa được ông nuôi chết dần vì những căn bệnh chưa tìm được nguyên nhân.

Thất bại ban đầu không làm ông nản lòng. Ông tiếp tục phát triển phòng thí nghiệm, lập trang trại ở Suối Dầu chăn nuôi các loại gia súc. Ông tìm tòi các loại cây có nhiều thảo dược để điều chế thuốc. Phòng thí nghiệm của ông phát triển để sau đó lớn dần thành viện Pasteur Nha trang.

Từ viện Pasteur Nha Trang, ông tiếp tục đóng góp công sức để xây dựng các viện Pasteur khác. Ngày 27/2/1902, ông trở thành hiệu trưởng và cũng là người sáng lập ra trường y khoa Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội).

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông chính là người mang cây cao su vào Việt Nam và đã thành công trong việc phát triển loại cây này.

Trải qua hơn 100 năm có mặt tại Việt Nam, cây cao su đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc phát triển kinh tế nước nhà.

Cây quinquina (canhkina) - hiện đang trồng tại mộ bác sĩ Yersin.
Cây quinquina (canhkina) - hiện đang trồng tại mộ bác sĩ Yersin.

Ở Việt Nam thời bấy giờ, bệnh sốt rét đang là một hiểm họa mà chưa có thuốc đặc trị. Bác sĩ Yersin đã mạnh dạn đưa cây quinquina - một loại cây có dược tính để điều chế thuốc ký ninh trị sốt rét, về trồng ở một số vùng nhưng không có kết quả.

Cuối cùng sau nhiều lần khảo sát, năm 1915, ông tìm đến Hòn Bà, nơi có độ cao 1.500m khí hậu mát mẻ quanh năm được mệnh danh là Đà Lạt của Khánh Hòa. Tại đây ông trồng thử nghiệm bằng 2 cách, hạt giống và cây ghép được lấy từ vườn thực vật Buitenzorg (Pháp).

Cây ghép không thành công. Chỉ có hạt giống nẩy mầm thành cây phát triển tốt nhưng chỉ một thời gian bị ẩm mốc. Cuối cùng, ông chuyển quinquina về Lâm Đồng và tại đây khí hậu cùng thổ nhưỡng đã giúp cây phát triển tốt tạo thuận lợi cho ông điều chế thuốc.

Nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà.
Nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà. (Ảnh: Lưu Thái Văn Chương).

Tại Hòn Bà, bác sĩ Yersin đã xây dựng một ngôi nhà trên đỉnh núi. Ông thường xuyên lui tới chăm sóc các giống cây và đặt trại quan trắc khí thượng.

Căn nhà xây dựng bằng gỗ, đã mục nát, chỉ còn lại phần nền. Năm 2004, căn nhà mới được tái tạo lại đúng nguyên bản được dựng ngay vị trí nhà cũ. Đó cũng là cách tưởng nhớ công ơn vị bác sĩ đã cống hiến cả đời mình cho khoa học, cho người dân Nha Trang...

Hiện đỉnh Hòn Bà trở thành khu du lịch
Hiện đỉnh Hòn Bà trở thành khu du lịch. (Ảnh: Lưu Thái Văn Chương).

Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ). Ông tốt nghiệp y khoa tại Lausanne rồi chuyển sang Marburg (Đức), cuối cùng đến Paris (Pháp).

Năm 1886, ông về làm việc tại phòng nghiên cứu Louis Pasteur theo lời mời của Emile Roux đồng thời tham gia phát triển huyết thanh chống bệnh dại. Yersin nhận bằng tiến sĩ khi vừa tròn 25 tuổi. Ông gia nhập Viện Pasteur thành lập năm 1889, cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu.

Yersin nghỉ việc ở Viện Pasteur, lên đường đến Đông Dương một năm sau đó với vai trò là bác sĩ cho công ty Vận tải Hàng hải trên tuyến Sài Gòn - Manila và Sài Gòn - Hải Phòng. Năm 1891, ông đặt chân đến Nha Trang.

Ông yêu mến mảnh đất này. Ông cho dựng nhà ở Xóm Cồn đồng thời mở phòng khám, trở thành bác sĩ người Pháp đầu tiên hành nghề trong vùng. Ông đã có những hoạt động rất thiết thực giúp đỡ bà con. "Ông Năm" là cái tên thân thương mà người dân xóm Cồn đã gọi ông như một cách bày tỏ lòng biết ơn.

Cập nhật: 03/11/2020 Theo Vietnamnet
  • 53
  • 827