Theo các nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ánh sáng nhân tạo có thể làm cho lá cây tháp Nhật Bản và cây tần bì xanh tránh được sự tấn công của côn trùng.
Họ nhận thấy những hàng cây trên các con phố ở Bắc Kinh có đèn chiếu sáng ít bị côn trùng phá hoại.
Ảnh hưởng kỳ lạ của đèn đường lên lá cây ở Bắc Kinh (Ảnh: Adobe).
Các nhà nghiên cứu đã thu thập hơn 5.500 chiếc lá của hơn 180 cây ở 30 vị trí khác nhau trong thành phố. Một số lá cây lấy ở những nơi gần đèn đường có ánh sáng vàng của đèn hơi natri, một số khác lấy ở những nơi không có đèn sáng.
Họ đo kích thước của lá, lượng nước chứa trong lá và thậm chí là mức độ các chất dinh dưỡng trong lá và độ dai của lá. Bên cạnh đó, họ cũng quan sát những biểu hiện cho thấy lá cây bị côn trùng phá hoại và đo mức độ.
Những chiếc lá ở nơi có đèn đường chiếu sáng thì khỏe mạnh hơn và ít bị côn trùng làm hại. Điều này cho thấy đèn đường có một số tác động không ngờ đối với lá cây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần tìm hiểu sâu hơn để xác định mức độ ảnh hưởng lớn đến đâu và chính xác thì vì sao ánh sáng này lại ngăn cản côn trùng cắn lá.
Một trong những lý do các nhà nghiên cứu suy đoán là ánh sáng làm cho các loài vật săn sâu bọ dễ dàng nhìn thấy và bắt được sâu bọ trước khi chúng kịp phá hoại lá cây.
Tuy vậy, họ cũng cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ hơn để biết chính xác thói quen của côn trùng khi có ánh sáng đèn đêm hoặc không có, đồng thời cũng xem xét tác động mà ánh sáng đèn đường trực tiếp ảnh hưởng đến lá cây.
Nhận định ban đầu của nhóm nghiên cứu cho rằng, tác động của ánh sáng đèn lên lá cây khó có thể nhận thấy.
Tuy vậy, do khu vực này nằm giữa Bắc Kinh và được đô thị hóa nên có lẽ ánh sáng đèn không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự phát triển đa dạng của côn trùng hoặc chức năng của hệ sinh thái trong khu vực.