Hiện nay có hai thuật ngữ đang được sử dụng khá phổ biến là Thực tế ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR). Vậy bản chất của hai công nghệ VR và AR là gì và chúng khác nhau như thế nào?
Thực tế ảo (VR) sẽ đưa bạn vào một thế giới hoàn toàn ảo do máy tính tạo ra.
Theo ScienceABC, thực và Ảo vốn là 2 từ mang ý nghĩa trái ngược nhau. Thực tế ảo (VR) sẽ đưa bạn vào một thế giới hoàn toàn ảo do máy tính tạo ra. Nó chuyển bạn từ môi trường với những đồ vật có thật ở xung quanh sang một môi trường ảo, nơi mà bạn thực sự trở thành một phần của nó và tương tác với nó theo những cách khác nhau. Bên cạnh việc tạo ra cho người dùng các trải nghiệm về hình ảnh ảo, công nghệ VR còn tương tác với người qua những giác quan khác như thính giác, khứu giác và xúc giác.
Thực tế tăng cường (AR) là những hình ảnh thực tế trước mắt bạn được "tăng cường" hoặc bổ sung thêm các thông tin ảo.
Thực tế tăng cường (AR) là những hình ảnh thực tế trước mắt bạn được "tăng cường" hoặc bổ sung thêm các thông tin ảo. Nó giúp cho những hình ảnh thực tế trước mắt bạn trở nên phong phú hơn với các hình ảnh ảo. Như vậy nếu như VR là một thế giới hoàn toàn ảo do máy tính tạo ra thì AR lại là thế giới thực ở trước mắt được tăng cường thêm các hình ảnh hoặc thông tin ảo. Game Pokemon Go là một ví dụ của công nghệ AR.
Như đã đề cập ở trên VR sẽ đưa bạn từ thế giới thực và đặt bạn vào một thế giới hoàn toàn mới và khác biệt. Khi đeo kính VR vào thì bạn ngay lập tức sẽ được chuyển tới những địa điểm kỳ lạ nhất trên thế giới hoặc những nơi mà chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích. Người dùng sẽ bị đắm chìm ngay vào những khung cảnh ảo hiển hiện trước mắt mà không liên quan gì đến những tiếng ồn hoặc chướng ngại từ thế giới thực. Khi đeo kính VR vào thì người dùng hoàn toàn bị tách khỏi thế giới thực.
AR sẽ kết hợp những gì mà bạn nhìn thấy và cảm nhận ở thế giới thực. Nó sẽ bổ sung các lớp thông tin theo yêu cầu nhằm hỗ trợ nhận thức của người dùng. Nếu bạn đã từng xem phim Iron Man (Người Sắt), bạn sẽ thấy khi Người Sắt nhìn vào bất cứ đồ vật hay con người nào, kính AR trên mũ anh ta sẽ hiển thị thêm các thông tin về đồ vật hay con người đó. Khái niệm AR còn được sử dụng ở nhiều bộ phim khác, chẳng hạn như là Minority Report, Wall-E, Avatar... Không giống như VR, AR đảm bảo cho bạn vẫn nhận thức được môi trường thực xung quanh trong lúc tương tác với những lớp thông tin ảo trên màn hình.
VR và AR là hai công nghệ khác nhau, vì thế chúng sẽ hoạt động trên các loại kính riêng. Kính VR sẽ không dùng được cho AR và ngược lại.
VR và AR là hai công nghệ khác nhau.
Loại kính VR nổi tiếng nhất trên thị trường là Oculus Rift. Khi đeo kính, nó sẽ phủ toàn bộ mắt và tai bạn. Kính có độ phân giải 1080 x 1200 mỗi bên mắt, cho một góc nhìn rộng khi người dùng đeo kính. Một số loại kính hỗ trợ VR khác như Google Cardboard, Samsung Gear, HTC Vive và Sony Project Morpheus.
Loại kính AR thông dụng nhất là Hololens. Đây là một sản phẩm của hãng Microsoft. Nó có hình dáng như một chiếc mũ lưỡi trai bỏ đi phần chóp mũ. Phần kính của Hololens được gắn với một miếng đệm đeo đầu có thể tùy chỉnh để đeo vừa đầu bất kỳ ai. Hololens cho phép đặt trực tiếp các hình ảnh ảo lên không gian và tương tác trực tiếp với chúng. Hololens được trang bị cảm biến để nhận dạng cử chỉ ngón tay, từ đó tạo ra các hình ảnh mà người dùng có thể quan sát.
Trong khi cả VR và AR đều tạo ra một cái nhìn khác biệt về thế giới cho người dùng, những công nghệ này vẫn tồn tại một vài nhược điểm cần phải khắc phục.
Hai công nghệ trên sẽ còn phát triển đến đâu trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng.
Đối với VR, vì bản chất của VR là đưa người dùng đến một thế giới mô phỏng, nên nếu người dùng tiếp xúc nhiều với VR họ sẽ mắc hội chứng mô phỏng. Có những người đeo kính VR và xem một đoạn video đi tàu lượn, khi tháo kính ra họ có cảm giác say xe. Ngoài ra, để sử dụng được VR, người dùng cần đeo nó trong môi trường có kiểm soát, giám sát. Kính VR hiện tại chưa được thu gọn ở một kích thước đủ nhỏ để bạn có thể đặt trong ví và mang đi khắp nơi.
Đối với AR, những hình ảnh ảo do nó tạo ra nhỏ hơn nhiều so với VR. Và cũng giống như VR, nó cũng có nhược điểm riêng. Do là một thiết bị công nghệ đeo đầu, nó cần phải có kiểu dáng thời trang hơn để được xã hội chấp nhận. Trên thực tế, lý do chính khiến cho người dùng thờ ơ với Google Glass là do nó thiếu tính thẩm mỹ.
Tóm lại, giống như tên gọi của nó, cả VR và AR đều gắn với "thực tế". VR thì chuyển bạn sang một dạng thực tế khác, trong khi AR bổ sung thêm thông tin cho thực tế xung quanh. Tuy nhiên, hai công nghệ trên sẽ còn phát triển đến đâu trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng. Để lựa chọn công nghệ nào, bạn chỉ cần trả lời câu hỏi về sự thuận tiện, sự sẵn sàng của các thiết bị hậu cần, cũng như mong muốn của bạn được đắm chìm vào một thế giới hoàn toàn khác biệt hay đơn giản chỉ là bổ sung thế giới hiện có. Hãy chọn lựa một cách khôn ngoan!