Bệnh MERS- CoV và SARS khác nhau như thế nào?

  •  
  • 2.933

Được xem là hậu duệ của dịch SARS, tuy nhiên bệnh MERS - CoV về cơ bản có điểm khác so với dịch SARS xảy ra cách đây 12 năm.

Bệnh MERS- CoV khác SARS như thế nào?

Trước đó, các nhà khoa học Anh và Arập Xê út đã nghiên cứu quá trình tiến triển của bệnh ở 47 bệnh nhân nhiễm MERS, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những biểu hiện của bệnh MERS giống với biểu hiện của bệnh SARS như sốt, ho, khó thở và một số ít bệnh nhân có các biểu hiện bệnh tiêu hóa như nôn, tiêu chảy. Cả hai loại bệnh trên đều có thời gian ủ bệnh giống nhau.

Bệnh MERS- CoV và SARS khác nhau như thế nào?
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bệnh nhân MERS có các triệu chứng về hô hấp sớm hơn năm ngày so với bệnh nhân SARS. MERS lây nhiễm chủ yếu ở người lớn tuổi, nam giới và những người đang bị các chứng bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và thận, trong khi SARS chủ yếu lây nhiễm trong số những người trẻ khỏe mạnh.

Vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày.

Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35% - 40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trong khi đó dịch SARS tử vong tùy thuộc vào giới, độ tuổi bệnh nhân. Đối với người dưới 25 tuổi, tỷ lệ tử vong ít hơn 1%; giới 25-44 tuổi thì tỷ lệ tăng lên thành 6%; giới 45-64 là 15%; và hơn 65 tuổi là 50% hoặc hơn nữa.

Theo một nghiên cứu mới đây về cách thức vi rút gây bệnh MERS trong cơ thể con người, loại vi rút này thường tấn công các cơ quan hô hấp thấp như phổi, mà không nhiễm vào các cơ quan hô hấp trên như mũi và họng. Do đó, các chuyên gia cho rằng đây là lý do mà bệnh này khó có thể lây lan rộng từ người này sang người khác.

Theo giáo sư Ali Zumla, thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm của Trường đại học University College London (Anh), ít có khả năng virus corona lây lan nhanh thành dịch. Tốc độ lây nhiễm của bệnh này chậm hơn nhiều so với bệnh SARS.

Virus corona gây bệnh MERS xuất hiện năm 2012 tại vùng Vịnh và hiện đã lây lan sang các nước Pháp, Đức, Italy, Tuynisia và Anh. Tỉ lệ tử vong của những người nhiễm MERS từ năm 2012 tới nay là khoảng 40%. Tất cả những ai bị sốt và có những triệu chứng bệnh lý hô hấp trong vòng 14 ngày sau khi tới Trung Đông đều được khuyến cáo đi xét nghiệm vi rút MERS.

Tại Hàn Quốc đang là điểm nóng về dịch MERS - CoV, theo Bộ Y tế, Hàn Quốc thông báo ngày 6/6 ghi nhận thêm 9 ca nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS-CoV. Như vậy, đến nay Hàn Quốc đã có 65 ca nhiễm hội chứng MERS-CoV, với 5 ca tử vong.

Ngày 7/6/2015, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế đã ra khuyến cáo thông báo người dân hạn chế đi du lịch tới các vùng có dịch, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ….

Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

  • Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người.
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

Các khuyến cáo chung:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
  • Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
  • Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống đủ chất, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Theo Infonet
  • 2.933