Argentina khánh thành đài quan sát thiên văn tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ

  •  
  • 76

Đài quan sát Qubic cho phép các nhà khoa học tiến hành đo sự phân cực nền của bức xạ vũ trụ nhằm điều tra về sự hiện diện của sóng hấp dẫn, một trong những bằng chứng về sự tồn tại của vụ nổ lớn.

Theo phóng viên tại Buenos Aires, ngày 24/11, Chính phủ Argentina đã khánh thành đài quan sát thiên văn có tên Qubic đặt tại tỉnh Salta phía Bắc nước này, với mục đích tìm hiểu thêm về sự khởi đầu của vũ trụ kể từ sự kiện vụ nổ lớn (Big Bang) cách đây gần 14 tỷ năm.

Đài quan sát Qubic
Dự án Qubic được phát triển và thử nghiệm tại Pháp trong giai đoạn 2008-2020 với sự tham gia của hơn 130 nhà nghiên cứu, kỹ sư từ Argentina, Italy, Anh và Ireland. (Nguồn: Mercopress).

Đài quan sát Qubic, nằm ở độ cao 4.980 mét so với mực nước biển ở khu vực Alto Chorrillos gần thành phố San Antonio de los Cobres của Argentina, sẽ cho phép các nhà khoa học tiến hành đo sự phân cực nền của bức xạ vũ trụ nhằm điều tra về sự hiện diện của sóng hấp dẫn, một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự tồn tại của vụ nổ lớn.

Dự án Qubic được phát triển và thử nghiệm tại Pháp trong giai đoạn 2008-2020 với sự tham gia của hơn 130 nhà nghiên cứu, kỹ sư từ Argentina, Italy, Anh và Ireland.

Đài quan sát thiên văn trên được vận chuyển đến Argentina hồi tháng 7/2021 và được lắp đặt cũng như thử nghiệm tại Khu nghiên cứu tích hợp Salta thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Argentina trong thời gian hơn một năm.

Phát biểu tại lễ khánh thành đài quan sát thiên văn Qubic, Bộ trưởng Khoa học, Cộng nghệ và Đổi mới Argentina Daniel Filmus cám ơn sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học trong 15 năm qua nhằm đưa dự án này đi vào hoạt động một cách thuận lợi.

Ông Filmus nhấn mạnh: "Chính phủ Argentina coi trọng sự phát triển của khoa học và công nghệ trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân".

Theo Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet), đài quan sát Qubic có cơ chế hoạt động tương tự như một số dự án quan sát vũ trụ khác gồm Bicep/Keck, CLASS, SPIDER của Mỹ, Ali-CPT của Trung Quốc và dự án vệ tinh LiteBIRD của Nhật Bản kết hợp với một số nước châu Âu, tuy nhiên không có loại kính viễn vọng nào trong số các dự án này có thể so sánh với Qubic về độ chính xác của kỹ thuật giao thoa kế và khả năng tạo ảnh quang phổ.

Cập nhật: 28/11/2022 TTXVN/Vietnam+
  • 76