ASEAN đẩy mạnh giám sát khói mù do cháy rừng

  •  
  • 223

Ngăn chặn, giảm thiểu và giám sát ô nhiễm khói mù là chủ đề của Hội nghị tăng cường hợp tác thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, đang diễn ra tại Hà Nội (11-13/5), với sự góp mặt của hơn 120 nhà khoa học, nhà quản lý của gần 20 quốc gia trên thế giới.


Khói mù do cháy rừng bao phủ ở Malaysia. Ảnh: AP

Hội nghị do Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định, nạn cháy rừng ở hầu hết các nước trong khu vực chủ yếu là do tình trạng du canh du cư, đốt rừng làm rẫy và một số nguyên nhân khác như tình trạng thu thập những sản phẩm phi gỗ (đốt đuốc tìm mật ong). Cháy rừng đôi khi xảy ra còn do chính khách du lịch vứt bừa bãi rác thải và các chất dễ cháy tại các khu du lịch...

Hiện các nước ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để phòng chống cháy rừng, như giảm canh tác theo kiểu du canh du cư, cấp đất cho người dân ổn định cuộc sống, phân rừng cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Một số nước có nguy cơ cháy rừng cao đã xây dựng được hệ thống phòng chống và bảo vệ rừng quy mô, như Thái Lan có tới 1.362 trạm quan sát, 52 trung tâm phối hợp hoạt động về phòng chống cháy rừng, 164 trạm theo dõi cháy rừng trên toàn quốc, 64 đội cứu hỏa chuyên trách.

Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống cháy rừng từ TW đến địa phương với hơn 20.000 nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, 4.000 kiểm lâm viên hỗ trợ các địa phương, 11.000 trạm theo dõi.

Song, thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên - Môi trường Thái Lan cho thấy, số các điểm cháy rừng tại các nước trong khu vực vẫn gia tăng, và khói mù đã lan qua biên giới nhiều nước. Cụ thể, trong ngày 27/3/2006, ảnh vệ tinh đã ghi nhận 1.922 điểm cháy rừng ở khu vực sông Mêkông; ngày 21/3 cũng có tới 1.182 điểm cháy rừng ở Myanmar.

Ông Faizal Parish, Tổ chức Môi trường toàn cầu, cho rằng, hầu hết các nước mới chỉ chuẩn bị được các nguồn ngân sách nhằm đối phó khẩn cấp với những vụ cháy rừng lớn mà chưa có được nguồn quỹ thường xuyên cho việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng ngừa nguy cơ cháy cho các khu rừng cũng như nguồn than bùn ở dưới thảm thực vật. Nguyên nhân là do các nước thiếu một cơ chế thích hợp để thu hút nguồn đóng góp từ Chính phủ, tổ chức quốc tế, người dân, những doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phổ biến các nội dung của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Đây là cơ hội để các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và nhu cầu để thực hiện Hiệp định có hiệu quả; tăng cường và củng cố hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như tìm kiếm nhà tài trợ thực hiện Hiệp định; tìm kiếm lĩnh vực hợp tác để ứng phó với thách thức cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

H.Yên

Theo VietNamNet
  • 223