Bộ Nông nghiệp muốn cấm nhập mọi mẫu vật tê giác

  •  
  • 372

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng ban hành quyết định cấm nhập khẩu tất cả các mẫu vật tê giác vào Việt Nam trong năm 2012.

>>> Nam Phi bảo vệ tê giác bằng máy bay do thám

Ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, công bố thông tin trên trong lễ ký biên bản ghi nhớ nhằm cải thiện hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại Hà Nội hôm qua. Bà Edna Molewa, Bộ Tài nguyên Nước và Môi trường Nam Phi, đã đại diện chính phủ Nam Phi ký biên bản trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam.

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), cho biết, các lĩnh vực hợp tác quan trọng đã được ghi rõ trong Biên bản ghi nhớ bao gồm: quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, thực thi pháp luật, tuân thủ Công ước CITES và các qui định pháp lý cũng như các Công ước Quốc tế liên quan khác. Trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi, Biên bản ghi nhớ sẽ có hiệu lực ngay sau khi ký, đặc biệt trong bối cảnh nạn buôn bán các loài hoang dã vẫn đang là một thách thức toàn cầu.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Edna Molewa nói: “Các cơ quan chức năng của Nam Phi rất mong các đối tác phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ để sớm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam".

Nhu cầu mua sừng tê tại châu Á khiến nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhu cầu mua sừng tê tại châu Á khiến nạn săn trộm tê giác ở
Nam Phi ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Ảnh: blogspot.com)

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

“Đấu tranh với các tội phạm vi phạm chế độ quản lý động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là những loài nguy cấp, quý, hiếm trong đó có tê giác và các sản phẩm của chúng luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng ban hành quyết định cấm nhập khẩu tất cả các mẫu vật tê giác vào Việt Nam trong năm 2012", ông cho biết.

Mặc dù Biên bản ghi nhớ giữa Nam Phi và Việt Nam chỉ đề cập chung chung việc giải quyết vấn nạn buôn bán các loài hoang dã bất hợp pháp, nhưng nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác sẽ là vấn đề ưu tiên nhất trong chương trình nghị sự mới về hợp tác giữa hai quốc gia, WWF nhận định.

Hàng trăm con tê giác bị săn trộm mỗi năm ở Nam Phi. Bọn săn trộm cắt sừng của chúng và buôn lậu để đáp ứng nhu cầu mua sừng tê giác tại châu Á - nơi một bộ phận người dân nghĩ rằng sừng tê giác là một loại thuốc thần kỳ dù không có bằng chứng y học để chứng minh. Các nhà khoa học khẳng định sừng tê giác không phải thần dược.

Giới chức nhận định các tập đoàn tội phạm châu Á đứng sau những vụ săn trộm và những kẻ vận chuyển được trả tiền để buôn lậu sừng tê giác từ châu Phi sang châu Á. Báo cáo của Mạng lưới kiểm soát buôn bán các loài động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) vào tháng 8/2012 chỉ ra rằng Việt Nam là một điểm đến của sừng tê giác bất hợp pháp.

Số lượng tê giác bị săn trộm tại Nam Phi đã tăng từ 13 cá thể trong năm 2007 lên đến hơn 600 cá thể trong năm 2012. Riêng trong năm 2012, giới chức đã bắt 246 người liên quan tới săn trộm tê giác và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác ở Nam Phi.

Theo VNE
  • 372