Các nhà khoa học đề xuất sử dụng một công nghệ chỉnh sửa gene đặc biệt để đối phó với những đàn mèo hoang đông đảo đang đe dọa động vật bản xứ.
Mèo hoang đến Australia theo thực dân châu Âu, thường xuyên giết chết động vật có vú bản xứ, chim và bò sát, bao gồm chuột túi woylie, mèo túi và thậm chí chim cánh cụt. Số lượng mèo hoang hiện nay lên tới hơn 6 triệu con và chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của ít nhất 28 loài trên khắp Australia, đồng thời đe dọa vô số loài khác. Điều này thúc đẩy nhiều biện pháp kiểm soát bao gồm rải thuốc độc, đặt bẫy và hạn chế mèo trong nhà. Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Ellen Cottingham ở Đại học Melbourne đề xuất sử dụng công nghệ chuyển đổi gene để kiểm soát số lượng mèo, Newsweek hôm 28/11 đưa tin.
Mèo hoang ăn thịt một con vật bị xe đâm trên đường ở Australia. (Ảnh: iStock).
"Công nghệ chuyển đổi gene truyền gene biến đổi qua cả loài bằng cách đảm bảo chúng được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cuối cùng dẫn tới cả loài có đặc điểm di truyền chỉnh sửa", Andrew D. Maynard, giáo sư Chuyển đổi công nghệ tiên tiến ở Đại học Arizona, giải thích. "Đây là một kỹ thuật dành riêng cho các loài giao phối và sinh sản hữu tính, hoạt động thông qua đảm bảo mỗi con non sẽ kế thừa đặc điểm di truyền chỉnh sửa".
Các gene truyền sang mọi con non, thay vì chỉ vài con như với những đặc điểm di truyền thông thường, chẳng hạn màu mắt. Điều đó đảm bảo một gene riêng biệt lan truyền đặc biệt nhanh trong quần thể. Vì vậy, biện pháp trên rất hữu dụng nhằm đối phó với loài xâm hại, do có thể phổ biến gene triệt sản hoặc hạn chế sự phát triển của loài vật.
Quá trình được thực hiện thông qua công cụ chỉnh sửa gene CRISPR, giúp cắt các gene cụ thể trong mã di truyền của một loài và thay thế bằng gene khác. Ngoài ra, một đoạn mã gene được thêm vào để tiếp tục quá trình tìm kiếm và thay thế ở ADN của bất kỳ con non nào. Hoạt động này tương tự như chèn một thuật toán di truyền nhỏ vào con non để thường xuyên tìm kiếm trình tự gene cần thay thế. Kết quả là khi hai con mèo hoang giao phối và một con đã trải qua chuyển đổi gene, thuật toán tìm kiếm và thay thế ADN sẽ đảm bảo mọi con non đều di truyền gene biển đổi. Theo cách như vậy, cả loài có thể bị biến đổi gene hoặc thậm chí xóa sổ nếu di truyền gene triệt sản.
Công nghệ trên từng được thử nghiệm ở muỗi, giúp hạn chế khả năng truyền bệnh sốt rét. Chuyển đổi gene cũng diễn ra thành công trên chuột vào năm 2019, nhưng từ sau đó, không loài động vật có vú nào khác được biến đổi thành công. Có nhiều ý kiến chỉ trích đối với phương pháp này, bao gồm lo ngại gene chỉnh sửa có thể lan sang những loài quan trọng không phải đối tượng mục tiêu, thậm chí mang đến cho một loài lợi thế ngoài mong muốn, khiến chúng khó tiêu diệt hơn. Do đó, trước khi tiến hành chuyển đổi gene trong tự nhiên, giới nghiên cứu cần thử nghiệm nhiều năm để đảm bảo không có gì sai sót.
Ngoài ra, Cottingham nhấn mạnh ước tính hiện nay về thời gian cần thiết để chuyển đổi gene có tác dụng với quần thể xâm hại không quá khả quan, lên tới hàng thập kỷ. Ví dụ, ở thỏ, chuyển đổi gene cần 17 năm để lan ra một nửa quần thể ở Australia.