Bằng cách cấy thêm gene, các nhà khoa học Thuỵ Sỹ vừa tạo ra loại ngô có khả năng tiết ra hoá chất để diệt sâu khi chúng gặm rễ.
Khi bị sâu ăn rễ (ấu trùng của bọ cánh cứng) tấn công, rễ của ngô biến đổi gene giải phóng một hợp chất ở dạng khí ra môi trường xung quanh. Khi tiếp xúc với chất khí này, lũ sâu sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi. Theo quy luật tự nhiên chúng sẽ bước vào giai đoạn thành trùng dù chưa đến thời điểm thích hợp. Hậu quả là lũ sâu sẽ chết.
Các nhà khoa học của Đại học Neuchâtel đã tìm ra gene có khả năng tạo ra hoá chất nói trên ở loài cây oregano. Họ cấy gene đó vào ngô để chúng tự sản xuất ra hoá chất. Nhóm nghiên cứu khẳng định giống ngô của họ vừa đạt năng suất cao vừa không sợ côn trùng gây hại.
Bọ ngô (Ảnh: National Geogrpahic) |
Để thử nghiệm xem ngô biến đổi gene có thực sự tiêu diệt được sâu ăn rễ hay không, nhóm chuyên gia trồng xen kẽ chúng với ngô thường rồi thả sâu lên đất. "Những con sâu ăn gốc được thả lên cây ngô biến đổi gene chết sau ba ngày", Ted Turlings, một nhà khoa học của Đại học Neuchâtel, cho biết.
Tới mùa ngô trổ bắp, nhóm nghiên cứu nhận thấy những cây biến đổi gene có nhiều hạt hơn, đồng thời tỷ lệ tổn thương ở rễ thấp hơn nhiều so với những cây ngô thường.
Sâu ăn rễ là một trong những loài côn trùng đáng sợ nhất đối với các ruộng ngô ở Mỹ và châu Âu. Theo ước tính của các chuyên gia nông nghiệp, thiệt hại hàng năm mà chúng gây ra mỗi năm lên tới hàng tỷ USD.