Rắn độc, nhện độc, bạch tuộc độc... tất cả tập trung ở Australia, và đều sở hữu nọc độc mạnh hơn cả cyanide.
Các fan của Conan - bộ manga trinh thám đình đám Nhật Bản chắc hẳn cũng không lạ chất độc cyanide (hay xyanua). Đó là một chất có độc tính cực kỳ cao, chỉ một lượng nhỏ là đủ khiến người trưởng thành khỏe mạnh cầm tấm vé một chiều đi xuống... âm phủ.
Nhưng ngoài tự nhiên, có những loài vật mang trong mình độc tố mạnh hơn cyanide gấp cả ngàn lần. Và biết gì không, trong số những loài nguy hiểm nhất thế giới, hầu hết đều nằm ở một quốc gia. Đó chính là nước Australia.
Lưu ý: Độc tố mạnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: liều lượng, tốc độ phát tác... Độc mạnh hơn không có nghĩa là gây chết người nhanh hơn, và ngược lại. |
Nhện mạng phễu Australia.
Trên thế giới có khoảng 40.000 loài nhện, và gần như tất cả đều có độc. Cũng may, chỉ một số ít là có độc đủ mạnh để giết người, trong đó có loài nhện mạng phễu (funnel-web spider) tại Sydney, Australia.
Chỉ nhện đực mới có độc, và độc của nó mạnh gấp 60 lần so với cyanide. Chỉ cần một lần cắn, nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 1-2h. Nọc độc sẽ tấn công hệ thần kinh, kích thích nó lên đến tột cùng, rồi tắt đột ngột như... sập cầu dao vậy.
Top 25 loài rắn độc nhất thế giới thì có tới 20 sống ở nước Australia.
Top 25 loài rắn độc nhất thế giới thì có tới 20 sống ở nước Australia. Và đáng nể nhất trong số đó là loài rắn nâu phương Đông - thủ phạm gây ra nhiều cái chết vì rắn cắn nhất trên phạm vi quốc gia.
Được biết, nọc độc của loài rắn này là độc chất thần kinh, mạnh hơn cyanide đến 8000 lần và có thể giết chết người trong vòng 1 giờ.
Cũng giống như nhện mạng phễu, độc của rắn nâu sẽ tấn công trung khu thần kinh. Nhưng lần này, nạn nhân sẽ nếm trải cảm giác lịm đi, mọi thứ chậm dần lại, và không bao giờ tỉnh lại được nữa.
Không chỉ vậy, độc của rắn nâu có thể khiến máu đông lại với tốc độ cực nhanh, tạo ra các cục máu gây nghẽn mạch và để lại một cái chết cực kỳ đau đớn.
Bạch tuộc đốm xanh.
Ngay cả vùng biển xung quanh nước Australia cũng toàn những kẻ cực kỳ nguy hiểm. Đầu tiên là loài bạch tuộc đốm xanh - loài có độc tố mạnh nhất trong họ bạch tuộc, với độc chất thần kinh mạnh gấp 1000 lần cyanide.
Tuy độ mạnh không bằng rắn nâu, nhưng tốc độ phát tác thì nhanh hơn rất nhiều. Một người nhiễm phải độc của bạch tuộc đốm xanh sẽ tử vong chỉ trong 20-40 phút thôi.
Nguyên do là vì cơ chế của loại độc này khác. Nó khiến cơ bắp nạn nhân bị tê liệt dần, và khi nó lan đến cơ hoành, nạn nhân sẽ chỉ còn vài phút trước khi chết vì ngạt thở.
Chỉ cần bị tấn công, bạn có thể chết chỉ trong vòng 15 phút.
Đó là loài sứa hộp, và chúng cũng sinh sống trong các vùng biển tại Australia. Độc của loài sứa này thì không mạnh, thua xa bạch tuộc vòng xanh lẫn rắn nâu. Nhưng chỉ cần bị tấn công, bạn có thể chết chỉ trong vòng 15 phút.
Nguyên do là vì mỗi xúc tu của loài sứa này chứa hàng trăm nang trâm chứa đầy nọc độc có khả năng gây truỵ tim. Mà bạn biết đấy, tim ngừng đập thì chẳng ai có thể cứu được bạn cả.
Nước Australia thật đáng sợ, đúng không? Nhưng chúng sẽ không tự nhiên tấn công bạn nếu không bị làm phiền. Hơn nữa theo thống kê, rủi ro bị tai nạn giao thông còn cao hơn bị động vật hoang dã ở Australia tấn công, thế nên đừng lo.