Bọc trứng nhện độc nhất thế giới khiến nhà nghiên cứu vui mừng

  •   3,73
  • 2.625

Bọc trứng nhện mạng phễu có nọc độc nguy hiểm nhất thế giới trong nhà một cư dân Australia khiến các chuyên gia sản xuất huyết thanh rất phấn khích.

Một người đàn ông ở thành phố Newcastle, bang New South Wales, Australia phát hiện bọc trứng nhện mạng phễu trong sân nhà. Thay vì la hét và đốt bọc trứng, người đàn ông có phản ứng hết sức khôn ngoan là thông báo cho Công viên bò sát Australia và nhờ họ xử lý, Science Alert hôm nay đưa tin.


Những con nhện mạng phễu non ngọ nguậy trong bọc trứng. (Video: Facebook).

Nhện mạng phễu, loài nhện độc nhất thế giới sinh sống ở Australia, rất hung dữ và sở hữu nọc độc có thể giết chết một người trưởng thành trong 15 phút. Dù có nhiều trường hợp nhện mạng phễu cắn người hàng năm, chưa có ca tử vong nào trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn do huyết thanh kháng độc luôn có sẵn.

Nếu nhát cắn của nhện mạng phễu không gây tử vong, nó vẫn có thể khiến nạn nhân ốm nặng. Các triệu chứng bao gồm đau nhói quanh miệng và lưỡi, nổi da gà, tiết nước bọt, mắt sưng mọng, nôn mửa, co thắt cơ, tràn dịch phổi, và tăng huyết áp.

Phát hiện bọc trứng chứa đầy nhện mạng phễu con ngọ nguậy khiến các nhà nghiên cứu ở công viên bò sát vô cùng phấn khích bởi họ có thể thu thập nọc độc của chúng và đưa tới phòng thí nghiệm để sản xuất huyết thanh. Chó, mèo, và các loài không thuộc họ linh trưởng khác có sức đề kháng cao hơn trước nọc độc của nhện mạng phễu so với con người, và có thể sống sót khi trúng lượng nọc độc lớn gấp 100 lần lượng nọc gây chết người.

Bọc trứng nhện mạng phễu.
Bọc trứng nhện mạng phễu.

Để sản xuất huyết thanh, nọc độc sau khi thu hoạch được tiêm vào thỏ. Việc tiêm nọc độc không giết chết hay gây hại cho động vật do khả năng kháng độc cao của chúng, mà chỉ kích thích cơ thể chúng phát triển kháng thể chống lại nọc độc. Kháng thể sau đó được thu thập từ thỏ dưới dạng tinh chất (serum) và điều chế thành huyết thanh. Khi tiêm vào cơ thể người, huyết thanh này sẽ kết hợp với nọc độc và trung hòa nọc độc.

Nọc độc của nhện mạng phễu Sydney (Atrax robustus) được các nhà khoa học đánh giá cao bởi họ có thể sử dụng loại nọc này để sản xuất huyết thanh điều trị vết cắn của vài loài nhện mạng phễu. Bọc trứng to cỡ quả bóng chơi golf chứa đầy nhện mạng phễu Sydney nhỏ này với số lượng khoảng 100 con rất hữu ích với dự án sản xuất huyết thanh vốn chủ yếu dựa vào nhện quyên tặng để duy trì nguồn cung cấp. Công viên bò sát Australia sẽ nuôi số nhện đến khi trưởng thành và đưa chúng vào chương trình vắt nọc độc.

Cập nhật: 18/01/2018 Theo VNE
  • 3,73
  • 2.625