Bài học của người lớn hay tuổi học trò?

  •  
  • 236

Suốt tuần qua, cư dân mạng xôn xao vụ một học sinh lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Long “tấn công” (hack) website của Bộ GD-ĐT. Khi bị công an phát hiện, hacker trẻ tuổi này thừa nhận hết mọi việc. Nhiều ý kiến lên án việc làm này nhưng cũng không ít dư luận cho rằng trước đó năm tháng (7-2006), học sinh này đã cảnh báo lỗi hệ thống của mạng nhưng những người có trách nhiệm đều làm ngơ.

“Mong thầy bộ trưởng hiểu em…”

Em chỉ mong sao thầy Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tha thứ cho em, hiểu cho rằng em không hề có ý gì khác ngoài việc cảnh báo lỗi bảo mật. Trong một giây phút nông nổi em đã làm phiền lòng thầy bộ trưởng và gây ra nhiều điều phiền hà cho gia đình... Em mong sao cho mình không bị phạt để có thời gian học tập”.

Trí đang viết bức thư xin lỗi thầy Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh là ông Bùi Thanh Hồng - cha em Trí

Trí đang viết bức thư xin lỗi thầy Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh là ông Bùi Thanh Hồng - cha em Trí. Ảnh: Bình Minh

Trí đã viết lá thư cho Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân như thế.

Chiều 25-12, chúng tôi tìm đến nhà em Bùi Minh Trí, học sinh lớp 12 chuyên lý - tin Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long. Cậu học sinh đam mê tin học này đã bị Trung tâm tin học, Bộ GD-ĐT tố giác với Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Cục CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ - Bộ Công an - về việc trang moetgov.vn của Bộ GD-ĐT bị “tấn công”.

Máy vi tính của Trí đã bị cơ quan công an CSĐT tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tỉnh Vĩnh Long niêm phong từ ngày 19-12 đến nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đỗ Văn Xê, hiệu phó Trường ĐH CầnThơ - người đã từng phát hiện nhiều tài năng tin học ở ĐBSCL, cho biết việc phát hiện và cảnh báo lỗi bảo mật của em Bùi Minh Trí là đáng khen, hơn nữa em đã thể hiện tinh thần trách nhiệm khi chủ động báo nhiều lần cho cán bộ phụ trách quản trị mạng của bộ một cách công khai.

Tuy nhiên, việc xâm nhập trang web của một đơn vị vô tình đã vi phạm pháp luật.

TS Xê cũng cho biết chiều 25-12, khi trao đổi với ông Quách Tuấn Ngọc - giám đốc Trung tâm tin học Bộ GD-ĐT, ông Ngọc khẳng định: qua sự việc trên, bộ chỉ có ý nhắc nhở chứ không muốn làm căng thẳng. Em Trí không có động cơ xấu là phá hoại, tuy nhiên cần nhắc nhở em Trí phải trau dồi kiến thức pháp luật nhà nước về Internet.

Theo ông Ngọc, với các lỗi bảo mật thì chuyên viên của bộ hoàn toàn có thể phát hiện và khắc phục được.

Trí buồn rầu nói: “Em đã vào nhiều trang web của các ngành chứ không riêng trang web của Bộ GD-ĐT và cũng chỉ để tìm hiểu lỗi bảo mật để cảnh báo cho người quản trị mạng biết cảnh giác, em không có ý phá hoại. Những nơi được em báo lỗi như bộ phận quản trị mạng của bộ, Công ty VDC, diễn đàn vietnam.net cũng trao đổi và cảm ơn trước những thông tin em cảnh báo, chưa ai cho em là phá hoại bao giờ”.

Tháng 7-2006, Trí vào trang web của bộ để tìm hiểu cấu trúc trang web và phát hiện phần bảo mật của trang web này bị lỗi và đã để lại một file trên web này chứng minh web có lỗi bảo mật.

Lần thứ hai, khoảng ba ngày sau trong một dịp thảo luận với một chuyên viên ở Công ty VDC (Công ty Viễn thông truyền số liệu VN) Trí cũng đã báo thông tin này cho bộ phận quản trị mạng của Bộ GD-ĐT.

Và Trí cũng liên hệ được với anh Kiên là cán bộ quản trị mạng của Bộ GD-ĐT để liên hệ trao đổi nhiều lần về sự cố mạng của bộ. Qua trao đổi, anh Kiên còn nhờ Trí trình bày các lỗi bảo mật bị hổng và đề nghị hợp tác cùng với Trí để sửa chữa.

Sau này khi cơ quan công an bắt đầu kiểm tra nhà và niêm phong máy vi tính, anh Kiên còn trấn an Trí và nói: “Có gì bất lợi cứ báo ra ngoài này và nếu cần bộ sẽ gửi công văn xác nhận Trí không phải là kẻ phá hoại vì đã thông tin cụ thể với chuyên viên mạng công khai rồi!” .

Ông Bùi Thanh Hồng, cha của Trí, cho biết anh Kiên còn nói có gì thì gia đình cứ điện thoại trực tiếp cho thầy Quách Tuấn Ngọc, giám đốc Trung tâm tin học Bộ GD-ĐT, để mong thầy xác nhận giùm là Trí không có ý phá hoại, vì trước đó đã báo cho cán bộ chức năng của bộ.

Nhưng theo ông Bùi Thanh Hồng, hai lần điện thoại nhưng người đầu dây bên kia thông báo thầy Ngọc đang bận việc. Thực tế gia đình chưa hề van xin thầy Ngọc như thầy đã phát biểu trên một tờ báo.

QUANG VINH

Cư dân mạng nói gì ?

* Bạn Nguyễn Thế Đông - thành viên ban tổ chức đại hội hacker “mũ trắng”:

Do các chủ website triển khai các giải pháp bảo mật quá kém hoặc trình độ của người quản trị web chưa đủ để có thể chống xâm nhập và tấn công website. Nếu có bạn nào đó tìm thấy lỗ hổng của một website, có thể tấn công vào thành công và lập tức đưa ra cảnh báo cho chủ website biết thì theo tôi, hành động này rất đáng trân trọng, thậm chí cần được biểu dương, khen thưởng...

* Những chi tiết như để lại file, nick của em cảnh báo với người quản trị trang web, đưa hình mình vào trang web trong vòng 5 phút và chính tự em đã xóa, trao đổi với người của VDC về lỗ hổng website của bộ... chứng tỏ em thiện chí và hoàn toàn bị hàm oan bởi những người vô trách nhiệm. Những tình tiết trên cho thấy em Trí là người phát hiện lỗ hổng của trang web và đã thông tin cho người có trách nhiệm chứ không phải là người đánh phá trang web này. (Nguoithu…@)

*
Theo mình nghĩ, trừ việc để cái hình đó lên trong 5 phút thì mọi thứ khác chẳng có gì sai. Nếu chỉ vì vậy mà thưa kiện Trí thì giống như bị té quê rồi ăn hiếp người khác. Trí làm được như vậy chắc chắn bạn ấy đã trải qua một quá trình tìm tòi, học tập và nghiên cứu. (Tidu…@)

*
Điều em Trí làm là lời cảnh báo cho mọi ban ngành về quản trị hệ thống máy chủ những trang web của các bộ, ban ngành. Phải chăng các nhà quản trị đã quá lơ là hay là họ đánh giá thấp lời cảnh báo của một em học sinh? (twinkle…@)

*
Trí thay hình của bộ trưởng bằng hình của mình chứng tỏ em không muốn trốn tránh. Tôi nghĩ những người quản trị đủ thông minh để biết là Trí muốn gì. Nếu Trí là người xấu thì trang web đó sẽ ra sao? (Haonam…@)

Q.T. - THI NGÔN tổng hợp

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 236