Ngày 28/10, "Hội thảo toàn quốc các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ địa phương lần thứ hai" được khai mạc tại TP Hải Dương, dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Với chủ đề "Nâng cao năng lực hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ cho các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương", hội nghị tập trung vào ba vấn đề chính. Trong đó có việc báo cáo kết quả hoạt động năm 2009 của các trung tâm và thảo luận các giải pháp, định hướng hoạt động nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm vào năm 2010.
Các vấn đề về chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu đặc thù của địa phương; phương thức tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ; mô hình sáng tạo và hiệu quả trong quản lý, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tư vấn về công nghệ; nguồn lực cho đầu tư phát triển; phương thức chia sẻ thông tin hoạt động... được đưa ra thảo luận.
Phòng nuôi cấy mô đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương. (Ảnh: Tiến Dũng). |
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), năm 2008-2009, 53 trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên cả nước đã có gần 220 đề tài, dự án, tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, môi trường... Trong số này, 42 trung tâm đã có hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí là gần 52 tỷ đồng...
Với chức năng là cầu nối, tiếp thu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, các trung tâm đã đưa nhiều đề tài, dự án vào địa phương như tiết kiệm năng lượng bằng lò nung gạch kiểu đứng; ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh để kiểm soát tàu đổ bùn thải trên vịnh Hạ Long...
Tuy nhiên, do vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất để chuẩn bị cho các bước chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp khoa học công nghệ (theo Nghị định 115 của Chính phủ) nên hơn 50% trung tâm chưa tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc phát triển khoa học công nghệ ở địa phương.
Để thực sự trở thành cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các trung tâm kiến nghị cần được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thăm quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, có nguồn kinh phí ổn định hàng năm và có cơ chế chính sách phù hợp với việc ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, cũng cần xây dựng các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ có quy mô quốc gia.
Còn theo Thứ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, các trung tâm cần chủ động xây dựng phương án phát triển và chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp... để tiếp thu công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đóng vai trò chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội ở địa phương.