Bão bụi từ sa mạc Sahara làm số lượng phiêu sinh vật ở đông Đại Tây Dương bùng nổ

  •  
  • 1.097

Các nhà khoa học làm việc trên tàu RRS Discovery đang nghiên cứu về bụi cát từ sa mạc Sahara bị thổi ra khỏi bờ biển châu Phi và gây ra tình trạng bùng nổ số lượng phiêu sinh vật ở đông Đại Tây Dương. Bụi Sahara giàu chất nitơ, sắt và phốt-pho và đóng vai trò là chất kích thích sinh sản phiêu sinh vật.

Tiến sĩ Achterberg thuộc Trung tâm Đại dương học Quốc gia Southampton (NOCS) đang chỉ huy một chuyến hải trình nghiên cứu và khảo sát ảnh hưởng của bụi đến dinh dưỡng, phiêu sinh vật sinh sôi và chuỗi thức ăn.

Lượng bụi tương đương 500 triệu tấn mỗi năm đủ để ảnh hưởng đến khí hậu. Một phần hòa vào đại dương và một phần phản chiếu ánh nắng mặt trời, những phân tử bụi làm nóng không khí và làm mát bề mặt đại dương. Chúng cũng tham gia vào hình thành mây và điều này làm ánh sáng phản chiếu lại vào không gian.

Những ảnh hưởng trên có thể có phạm vi rộng lớn: Những cơn bão vùng Ca-ri-bê bắt đầu hình thành ngoài khơi tây bắc châu Phi và bụi khí quyển là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên sự phát triển ban đầu của bão. Bụi bị gió cuốn từ sa mạc Sahara có vai trò tối quan trọng trong việc làm màu mỡ nhiều khu vực rộng lớn của Đại Tây Dương.

Sự phát tán những chất dinh dưỡng và một số kim loại trên đất liền nhưng hiếm ở đại dương kích thích quá trình sinh sôi của các loài sinh vật phù du.

Eric Achterberg cho biết: “Bão bụi thỉnh thoảng mới diễn ra. Và bụi Sahara xuất phát từ nhiều nguồn, có thể trộn với nhọ từ đồng cỏ hoặc cháy rừng và có thể thay đổi đặc tính hóa học và vật lý khi trôi nổi trong khí quyển ở những độ cao khác nhau và ở những điều kiện độ ẩm khác nhau. Chính sự phức tạp này khiến cho vai trò của bụi trong các kiểu thời tiết rất khó để kết luận.”

Ảnh màu thực từ vệ tinh MODIS chụp bão bụi ở khu vực nhiệt đới bắc Đại Tây Dương, tháng 3 năm 2004. (Ảnh : Trung tâm Đại dương học Quốc gia Southampton - NOCS)

Tuệ Minh (Theo ScienceDaily)
  • 1.097