Báo cáo khoa học: Cứ có ảnh là người đọc... tin!

  •  
  • 775

Nếu một báo cáo khoa học về não có kèm theo hình chụp bộ não cùng các biểu đồ thì người đọc... tin sái cổ, dù đó chỉ là một nghiên cứu hư cấu. Các nhà khoa học trường Đại học Bang Colorado đã phát hiện ra “quy luật” này.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, mọi người thường tin tưởng hơn vào các nghiên cứu về thần kinh khi báo cáo được đi kèm những hình ảnh có màu sắc về bộ não cũng như là những biểu đồ hình cột.

Báo cáo khoa học có kèm theo ảnh màu, biểu đồ sẽ khiến người ta dễ tin vào kết quả nghiên cứu hơn (Ảnh minh họa: Anl.gov)

Trong ba nghiên cứu gần đây, một số sinh viên chưa tốt nghiệp đã được mời tham gia đọc các bài báo ngắn. Trong những bài báo đó, có nhiều quan điểm mang tính hư cấu, không có cơ sở như: “xem TV giúp học tốt môn toán,” hay mời những sinh viên này đọc một bài báo thực sự mô tả nghiên cứu vấn đề chụp ảnh não bộ có thể sử dụng như là một thiết bị phát hiện nói dối.

Khi những người tham gia nghiên cứu được mời đánh giá mức độ đồng ý của mình với những kết luận trong bài báo, thì tỷ lệ thường cao hơn ở những bài có ảnh chụp não bộ đi kèm.

Hiệu ứng này vẫn cứ xảy ra, dù cho bài báo có miêu tả một cách hư cấu, không có thực hay thế nào đi nữa.

Hiệu ứng” trên đây đã được ông David McCabe, trợ giảng thuộc khoa Tâm lý học, trường Đại học bang Colorado và thuộc nhóm nghiên cứu đúc kết như sau: Những nghiên cứu khoa học xuất hiện trên hầu hết các kênh thông tin đại chúng thường bị đơn giản hóa và do đó, các kết luận cũng trở nên lệch lạc. Nhóm nghiên cứu hy vọng, qua thực nghiệm nói ở trên, mọi người sẽ phải suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi tin vào các báo cáo khoa học “màu mè” với những ảnh chụp và biểu đồ.

Bùi Thành

Theo ScienceDaily, Vietnamnet
  • 775