Bảo tồn sen Hồ Tây bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

  •  
  • 191

Các nhà khoa học Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã xây dựng thành công quy trình nhân giống sen Hồ Tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Sen Bách Diệp (sen Hồ Tây) là giống quý, nhưng dần thoái hóa. Hiện nay diện tích trồng sen ở Hồ Tây đang dần bị thu hẹp. Câu hỏi đặt ra cho nhóm nghiên cứu là làm thế nào để có nguồn giống sen đảm bảo?. Nếu chỉ nhân giống bằng tách chồi, hệ số nhân giống thấp, dễ thoái hóa, nguy cơ mất dần những đặc điểm đặc trưng của loài sen này sẽ hiện hữu.

PGS.TS Đồng Văn Giới, Trung tâm Tài nguyên Thực vật, cùng các cộng sự đi thu thập nguồn gene gốc tại các vùng trồng ở Hồ Tây về lưu giữ giống gốc tại Trung tâm bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene cây sen - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ giống gốc này, anh sử dụng biện pháp nuôi cấy mô tế bào để tạo ra nguồn giống sen đảm bảo. Phương pháp này giúp giữ nguyên được các đặc tính của sen, cây giống không bị sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu invitro đã thành công khi hơn 500 mẫu giống vừa được đưa ra vườn ươm để đánh giá kết quả.

Sen Bách Diệp trồng ở Hồ Tây là nguồn gene có giá trị cao
Sen Bách Diệp trồng ở Hồ Tây là nguồn gene có giá trị cao. Ảnh: Ngọc Yến

Theo PGS Giới, sen Bách Diệp là giống sen đã được trồng lâu đời ở khu vực Hồ Tây - Hà Nội. Loài sen này có tên Bách Diệp vì mỗi bông hoa có tới 100 cánh. Đặc trưng dễ nhận biết là cánh hoa kép, màu hồng, hương thơm lâu, gạo sen to và căng mọng. Giá trị phổ biến nhất của sen Bách Diệp là do có hương thơm lâu và đượm nên đây là loài duy nhất dùng để ướp trà.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, người có nhiều năm nghiên cứu về hoa sen cho biết, thực tế có nhiều loài/giống sen quý của Việt Nam đang bị thoái hóa nên việc bảo tồn, lưu giữ, phục tráng và phát triển nguồn gene sen quý rất cần thiết.

Bình thường người dân có thể chọn ra những cây tốt nhất, có các đặc tính quý, trong quần thể để trồng riêng, sau đó nhân giống bằng hạt (với các giống thuần chủng) hoặc nhân giống bằng thân ngầm/củ ở môi trường sạch bệnh, sẽ tạo ra được các cây giống tốt, giữ được các đặc tính của giống nguyên sản. Tuy nhiên, PGS Đông cho rằng để công tác bảo tồn, phục tráng, có hiệu quả cao, cây con có chất lượng tốt, thì phương pháp nuôi cấy mô là tối ưu hơn cả. Nuôi cấy mô cho phép tạo ra số lượng cây giống lớn, trong thời gian ngắn, cây nhân ra vẫn giữ được các tính trạng ban đầu của cây mẹ, từ đó bảo tồn được nguồn gene hoa sen.

Sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gene đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn.Năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên Thực vật, Học viện Nông nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen Hồ Tây.

Từ nghiên cứu này, loài sen Bách Diệp được định dạng: Lá màu xanh đậm, cuống lá và cuống hoa xanh nhạt. Mỗi lá có 20-22 gân, phiến lá ráp. Nụ hoa bầu dục dài, chóp tù màu hồng nhạt. Hoa cánh kép có màu hồng, gương sen mặt phẳng, hạt sen hình bầu dục dài. Mỗi bông sen Hồ Tây có trung bình khoảng 100 cánh. Hạt sen sắp xếp thành 3 vòng tròn đồng tâm trên gương sen, vòng thứ nhất gồm 1-5 hạt, vòng thứ hai gồm 5-12 hạt và vòng thứ 3 gồm từ 10-17 hạt.

TS Giới hy vọng quá trình đưa cây giống ra vườn ươm sẽ cho kết quả tốt. Đây sẽ là nguồn cung cấp giống sen Bách Diệp chất lượng cao để người dân trồng, phát triển kinh tế.

Cập nhật: 03/10/2021
  • 191