Bảo vệ quần thể Voọc mũi hếch ở Hà Giang

  •  
  • 1.928

Được sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), hiện nay quần thể Voọc mũi hếch ở khu vực rừng Khau Ca thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Du Già (Yên Minh, Hà Giang) được bảo vệ và số lượng cá thể đã tăng lên.

Đây là một trong số 25 loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và là loài đặc hữu của nước ta. Hiện nay trên thế giới chỉ có bốn loài Voọc mũi hếch, trong đó ba loài ở Trung Quốc và một loài sống ở nước ta.

Năm 1912, các nhà khoa học đã phát hiện loài Voọc này tại Trấn Yên (Yên Bái) và hiện nay không còn thấy loài Voọc này xuất hiện tại đây nữa.

Từ năm 1992 - 2002, các nhà sinh học đã liên tiếp phát hiện một số quần thể Voọc mũi hếch ở Na Hang, Chạm Chu (Tuyên Quang) và ở tỉnh Bắc Cạn. Đặc biệt, tháng 1-2002, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể Voọc mũi hếch với số lượng khoảng 80 - 90 con tại khu vực rừng Khau Ca (Hà Giang).

(Ảnh: Nhân dân)Ngay sau khi phát hiện loài vật này tại Hà Giang, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành các hoạt động bảo tồn, hỗ trợ chính quyền và cộng đồng địa phương bảo vệ quần thể Voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng... Ngay sau đó, dự án bảo tồn Voọc mũi hếch được triển khai và sau hơn bốn năm hoạt động, dự án này không chỉ giúp loài vật này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng mà còn ghi nhận sự xuất hiện của những cá thể mới. Bên cạnh đó, dự án còn nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ các loài vật quý hiếm, đặc biệt là loài Voọc mũi hếch.

Theo các già làng, trưởng bản ở các xã gần rừng Khau Ca cho biết: người dân địa phương vẫn gọi loài Voọc này là Tu Cảng, Ca Đác hay Mò Pèn. Loài vật này có đặc điểm lông đen. Cánh tay, đùi, mặt và đầu có mầu trắng kem, lưng đen, bụng mầu trắng. Trước đây, người dân đi rừng đặt bẫy, săn bắn vẫn bắt chúng đem về làm thịt ăn và lấy xương nấu cao. Mãi sau này, họ mới biết nó là Voọc mũi hếch và đang có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh này (nằm trong Sách đỏ).

Theo anh Tuệ - một điều phối viên của dự án cho biết: Các hoạt động săn, bắn, khai thác các sản phẩm từ rừng của người dân trong nhiều năm qua đã đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài vật này. Qua quá trình được đi khảo sát cùng các chuyên gia của dự án, nhiều lần chứng kiến cảnh người dân vào rừng săn bắn, đặt bẫy bắt thú. Điều này có tác động rất lớn đến sự tồn tại của loài Voọc. Trước năm 2002, hoạt động săn bắn của người dân quanh vùng tuy có được hạn chế nhưng chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát hết được.

Mặc dù tỉnh Hà Giang đã thực hiện chương trình thu giữ súng ở toàn bộ các thôn, bản quanh khu vực Khau Ca. Nhưng, theo điều tra của ngành kiểm lâm: hiện nay các hộ dân sống ở quanh khu vực này vẫn còn cất giấu khoảng 25 khẩu súng kíp; đồng thời các hoạt động săn bắt động vật hoang dã của họ bằng cách đặt bẫy vẫn chưa chấm dứt. Điều này đã đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của loài linh trưởng quý hiếm này. Ngoài sự tác động trực tiếp thì việc tác động đến ngoại cảnh làm thay đổi môi trường sinh cảnh cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm. Đặc biệt việc khai thác bừa bãi lâm thổ sản, việc người dân chăn thả gia súc quanh khu vực, điều này dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của Voọc nhưng lại gây ảnh hưởng đến đời sống của chúng.

Từ khi phát hiện quần thể Voọc tại khu vực Khau Ca, FFI đã tiến hành các hoạt động bảo tồn rất thiết thực. Qua bốn năm hoạt động, dự án không chỉ bảo tồn được những cá thể Voọc mà đã ghi nhận được ít nhất có bốn con non được sinh ra vào đầu năm 2005. Việc bảo tồn loài Voọc mũi hếch sẽ có nhiều tiến triển mới, bởi mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhất trí với đề xuất của tỉnh Hà Giang thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh Khau Ca với diện tích hơn hai triệu ha, trong đó đất có rừng là 1.875 ha và 135,4 ha đất chưa có rừng. Đây là một trong những tín hiệu rất tích cực đối với việc bảo tồn loài động vật này. Nhưng điều cốt lõi vẫn là nâng cao nhận thức về bảo vệ các nguồn gien quý hiếm cho cộng đồng dân cư trong khu vực; đồng thời giúp họ ổn định đời sống và nâng cao thu nhập bằng chính từ việc bảo vệ nguồn lợi này.

CTV

Theo Nhân dân
  • 1.928