Bảo vệ thính giác cho trẻ

  •  
  • 2.330

Những vấn đề về khả năng nghe của trẻ thường khó phát hiện. Và cho đến khi chúng ta nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng thì trẻ có thể đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, nhận thức quan trọng. Thế nên, các bậc phụ huynh cần có những hiểu biết nhất định để phát hiện sớm và bảo vệ thính giác cho trẻ.

Các dấu hiệu suy giảm chức năng nghe

- Trẻ sơ sinh: Trẻ không giật mình khi nghe tiếng vỗ tay to từ khoảng cách 0,9-1,8m hoặc không có phản ứng gì trước tiếng nói của bạn.

- 8-12 tháng: Trẻ không quay đầu về phía có âm thanh quen thuộc hoặc không "lúng búng" phản ứng lại giọng của người thân.

- 1 tuổi rưỡi: Trẻ không sử dụng được một số từ đơn như bà, mẹ... hoặc không thể phân biệt được các bộ phận khi được gợi ý.

- 2 tuổi: Trẻ không thể làm theo những yêu cầu đơn giản mà thiếu những gợi ý bằng hình ảnh, hành động hoặc không thể lặp lại các cụm từ.

- 3 tuổi: Trẻ không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh hoặc không hiểu và không sử dụng được những từ như đi, con, to, lớn...

Ảnh: Inmagine - 4 tuổi: Trẻ không thể kể ra một vài việc chúng làm gần đây.

- 5 tuổi: Trẻ không thể thực hiện được một cuộc trò chuyện đơn giản, hoặc các câu chúng dùng rất khó hiểu.

- Lứa tuổi đến trường: Việc suy giảm chức năng nghe ở lứa tuổi này đôi khi được xác định bằng sự thiếu tập trung, hay lơ là, thường xuyên bị cảm lạnh hoặc đau tai.

Nếu trẻ có một trong những biểu hiện trên hoặc không thể hiện những hành vi đúng theo lứa tuổi, bạn nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bất ổn.

Các cách bảo vệ thính giác cho trẻ

Một số lời khuyên sau có thể giúp bảo vệ chức năng nghe bé trong những môi trường ồn ào:

1. Tránh cho bé nghe những đoạn quảng cáo kéo dài có nhiều tiếng động lớn.

2. Cho trẻ đeo đồ bảo vệ tai khi phải chịu những tiếng ồn lớn liên tục như máy khoan hay máy xén cỏ.

3. Hãy đảm bảo môi trường âm thanh (tiếng ồn từ hệ thống lò sưởi hay làm lạnh, tiếng vo vo của máy tính và các thiết bị khác) xung quanh trường học của trẻ không vượt quá hạn mức cho phép.

4. Một số nhà và trường học xây dựng ở gần những nơi có nhiều âm thanh lớn liên tục như nút giao thông đông đúc, ga tàu hoả sẽ là nguyên nhân gây ra sự suy giảm thính giác một cách nghiêm trọng. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cân nhắc tới việc giảm thiểu tiếng ồn từ bên ngoài như:

- Cách âm cho tường
- Xử lý độ vang âm trên tường hoặc trần nhà.
- Cửa sổ và cửa ra vào không có nhiều khe hở.
- Hệ thống thông hơi và điều hoà không khí chạy êm.

Còn nếu có điều kiện, các bạn nên chuyển nhà hoặc chuyển trường để bảo vệ chức năng nghe tốt nhất cho bé.
Những âm thanh có nguy cơ làm tổn thương thính giác

Hiệp hội sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp thông báo rằng sự chịu đựng âm thanh ở mức 85 decibel hoặc cao hơn có thể làm tổn hại chức năng nghe. Dưới đây là một số mức của các loại âm thanh khác nhau:

- Máy nghiền rác trong bếp: 85 decibel
- Giao thông đông đúc: 85 decibel
- Nhà hàng quá ồn ào: 85 decibel
- Nghe máy nghe nhạc âm độ lớn: 110 decibel
- Buổi biểu diễn nhạc rock: 120 decibel
- Xe chạy bằng máy trên tuyết và băng: 110 decibel
- Còi xe cứu thương: 120 decibel
- Tiếng pháo nổ: 125 decibel
- Động cơ máy bay: 140 decibel

Bình Dương

Theo Parents, VTV
  • 2.330