Bảo vệ Trái đất chống va chạm với tiểu hành tinh

  •  
  • 1.050

Hiện các nhà nghiên cứu đang theo dõi sát sao chuyển động của một tiểu hành tinh (THT) có đường kính 390 mét, THT này đã được phát hiện năm ngoái. Hiện nó rất được quan tâm vì có khả năng xảy ra va chạm với trái đất chúng ta... 

Ảnh trái đất chụp từ vệ tinh.

Theo đánh giá của cơ quan NASA, nếu Trái đất va chạm với THT này mà xác suất có thể xảy ra vào năm 2036, sẽ giải phóng ra một năng lượng lớn gấp 100 ngàn lần năng lượng của vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima (Nhật).

Dưới tác động tức thời của sóng xung kích, hàng ngàn km2 sẽ biến thành vùng đất chết, phần còn lại của trái đất sẽ bị bao phủ bởi khí bụi do vụ nổ tung lên bầu khí quyển.

Theo các nhà khoa học, thời gian còn lại để thông qua một quyết định cuối cùng là rất ít.

Tại hội nghị quốc tế về các vật thể gần trái đất, diễn ra cách đây không lâu tại Luân Đôn (Anh), các nhà nghiên cứu cho rằng để thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị nhằm làm lệch quỹ đạo chuyển động của tiểu hành tinh, có thể cần đến hàng chục năm.

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, phương pháp đơn giản nhất là phóng con tàu vũ trụ vào vật thể làm thay đổi quỹ đạo bay của nó.

Phương án này đang được lên kế hoạch trong chương trình thám hiểm mang tên “ Don Quichotte”. người ta sẽ phóng hai vệ tinh nhân tạo về hướng THT .

"Idalgo"- vệ tinh thứ nhất sẽ va chạm với THT ở vận tốc không lớn. Còn vệ tinh nhân tạo thứ hai - «Shango», sẽ đo sự thay đổi quỹ đạo của vật thể. Việc chế tạo 2 vệ tinh này sẽ được thông qua sau vài tháng nữa, còn việc phóng chúng sẽ phải chờ hàng chục năm.

Đến năm 2029 các nhà thiên văn học sẽ biết, liệu THT này có va chạm với trái đất vào năm 2036 hay không.

Quang Dũng

Theo VietNamNet
  • 1.050