Hiện trên Internet có hơn nửa triệu website gieo rắc malware luôn rình rập người lướt web.
Malware, tên gọi chung của các loại phần mềm độc hại hay gây phiền toái như phần mềm quảng cáo (adware), phần mềm gián điệp (trojan, spyware), các loại mã nguy hiểm giúp khống chế và điều khiển máy tính từ xa vào mục đích xấu (máy tính bị đưa vào hệ thống mạng zombie, botnet), các loại mã giúp lừa đảo (phishing)... đang trở thành hiểm họa lớn. Hiện trên Internet có hơn nửa triệu website gieo rắc malware luôn rình rập người lướt web.
Một trong những vũ khí mới giúp malware phát triển nhanh là các mạng xã hội (social networks) như MySpace giúp người dùng Internet có thể dễ dàng tạo ra trang web cá nhân cho mình theo dạng blog. Mạng xã hội là khái niệm mới xuất hiện gần đây dùng để chỉ các website cung cấp cho người sử dụng môi trường tạo blog cá nhân và kết nối với nhau theo sở thích. Bản thân các mạng xã hội được bảo vệ rất chắc chắn nên người tạo blog không thể đưa malware vào blog.
Tuy nhiên, người tạo ra blog có thể đưa lên trang của họ đường dẫn (link) tới các trang web khác với lời giới thiệu hấp dẫn để đánh lừa người xem. Chỉ cần nhấp chuột vào các link này là người xem có thể sập bẫy vì đó là các trang chứa malware hay cung cấp những phần mềm miễn phí với tính năng rất hữu ích nhưng bên trong vỏ bọc vô hại đó là trojan cực kỳ nguy hiểm.
Theo thống kê của công ty chuyên viết phần mềm chống spyware Webroot, rất nhiều trang web cá nhân trên những mạng xã hội như MySpace do một người tạo ra bằng nhiều thông tin ảo khác nhau nhằm giăng bẫy người lướt web. “Mồi nhử” để người xem chịu nhấp chuột vào bao giờ cũng hấp dẫn, chẳng hạn như các phần mềm, phim ảnh miễn phí và nóng bỏng khiến bạn không thể từ chối tải về máy tính của mình. Tất nhiên, quà tặng kèm theo các sản phẩm miễn phí này là trojan, spyware mà cái giá người lướt web phải trả cho sự nhẹ dạ của mình không hề rẻ chút nào.
Cho đến thời điểm này, các chuyên viên của Webroot đã thống kê được danh sách gồm 527.000 trang web chứa malware giăng bẫy người sử dụng, tăng hơn 100.000 trang so với cùng kỳ năm ngoái. Với số lượng trang web malware nhiều như thế nên con số máy tính, đa số là trong các hộ gia đình, bị nhiễm một hoặc nhiều spyware trong số hơn 30 phần mềm gián điệp phổ biến nhất hiện nay. Spyware cũng khá phổ biến trong khu vực doanh nghiệp. Webroot đã khảo sát gần 20.000 doanh nghiệp ở 71 nước và nhận thấy máy tính trong các công ty cũng bị nhiễm 19 loại spyware khác nhau.
Kỹ thuật viết spyware cũng được cải tiến liên tục với khả năng tự che giấu để tránh bị phần mềm chống spyware phát hiện và tiêu diệt cũng như ghi lại các cú gõ phím (keylogger). Mới đây nhất, một trojan có tên là Zlob còn dùng hình thức ngụy trang dưới dạng phần mềm giải mã video cập nhật cho chương trình của Microsoft. Tuy nhiên, đường dẫn để tải chương trình này lại dẫn tới một trang web của hacker mà khi vào đó, hàng loạt malware sẽ được tải về và cài vào máy tính của nạn nhân.