Ta không thể nổ bừa bãi bom hạt nhân, ta cũng không thể vào được hố đen Vũ trụ, nhưng ta có được Cỗ máy Z làm được điều tương tự.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia được giao sứ mệnh nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Nhưng phòng thí nghiệm đặt tại Albuquerque, Mexico này còn một nhiệm vụ khác lớn lao hơn nhiều: nó còn phải nghiên cứu đặc điểm tự nhiên của chính vũ trụ này. Bên trong đó, cỗ máy mang một cái tên rất ngầu – Cỗ máy Z, gánh vác cả hai thứ trách nhiệm ấy.
Cỗ máy Z thu thập điện năng để tạo nên một hiện tượng đặc biệt chỉ có sau khi một quả bom hạt nhân phát nổ, tạo nên hiệu ứng (trên lý thuyết) của một phản ứng hợp hạch và thậm chí, tạo ra hiệu ứng có thể có tại trung tâm của một ngôi sao.
Z là cầu nối duy nhất của chúng ta với việc cho nổ một thứ vũ khí có sức công phá khủng khiếp hay với việc du hành và trung tâm Mặt Trời – cả hai đều mà hiển nhiên một người không nên làm. Nhờ có nó, ta có thể mở rộng chân trời kiến thức của loài người. Toàn bộ những điều đó nằm trong nhiệm vụ chính của phòng thí nghiệm Sandia: "giữ cho kho dự trữ hạt nhân tại Mỹ được an toàn, đảm bảo an ninh và hiệu quả".
Với nước Mỹ đang có nhiều biến chuyển, tương lai của phòng thí nghiệm thuộc quyền sở hữu của chính phủ - Ủy ban Điều hành An ninh Hạt nhân Quốc gia vẫn còn là điều chưa được làm rõ.
Những người may mắn được tới tham quan Cỗ máy Z được dặn rằng họ không được phép chụp lại cảnh bên ngoài khu căn cứ quân sự này, hiển nhiên là vì lí do bảo mật. Nhưng khi đã bước vào thế giới bên trong của cỗ máy kia, họ có thể chụp tùy thích.
Thế giới bên trong ấy tuyệt vời đến mức không tưởng. Cỗ máy Z được tạo nên từ 2.160 tụ điện, tạo thành một vòng tròn rộng hơn 31 mét, nằm trong một bể lớn chứa đầy dung dịch. Bể có thể có nước hoặc đựng dầu, tùy theo yêu cầu của thử nghiệm.
Khi họ sẵn sàng tiến hành thử nghiệm, những tụ điện kia bắt đầu xả điện, đưa dòng năng lượng có độ lớn bằng 20 thanh thuốc tổ TNT chạy trong những đường dây cáp chìm dưới làn dung dịch. Lượng năng lượng cực lớn ấy nhắm tới một trục bánh xe nằm trong một khối hình trụ lớn cao 6 mét – một môi trường chân không ngăn những hạt không khí cản trở việc thí nghiệm. Chỉ trong vòng 100 nano giây, năng lượng từ những tụ điện lớn được đẩy vào mục tiêu, khiến toàn bộ bể thí nghiệm rực lên một màu tím của điện.
Nhiệt độ và sức ép của nơi được đẩy điện vào tăng mạnh, đạt gần tới mức yêu cầu cho nguyên tử có thể kết hợp được với nguyên tử khác để tạo ra phản ứng hợp hạch. "Khi mà Cỗ máy Z bắt đầu bắn điện, những sóng xung kích được phát ra", ông Joel Lash, người điều hành cao cấp tại khu nghiên cứu cho hay. "Trần nhà sẽ rung lên bởi những sóng xung kích ấy".
Sau mỗi một lần thử nghiệm, trục bánh xe nói trên bị tiêu hủy hoàn toàn, đội ngũ nghiên cứu sẽ phải dựng lại một mục tiêu để bắn điện. Người người bắt tay vào việc tháo dỡ các công cụ thử nghiệm, trên nóc là một cần cẩu 20 tấn sẵn sàng cho việc vận chuyển các tụ điện.
Việc dọn dẹp và chuẩn bị cho thử nghiệm tiếp theo sẽ kéo dài tới khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau, để 5 giờ chiều ngày hôm đó, phát bắn tiếp theo sẽ được thử nghiệm. Một năm, khoảng 150 thử nghiệm như vậy được diễn ra với kịch bản y hệt: họ dựng lại thử nghiệm và mục tiêu, họ bắn và hủy diệt mục tiêu trong quá trình thử, và họ làm lại một lần nữa.
Ông Lash nói: "Ngày nào chúng tôi cũng bắt đầu thử nghiệm lại thêm lần nữa. Trên hành tinh này có lẽ chẳng có thứ gì giống thế cả".
Có lẽ điều đó chỉ đúng trên Trái Đất này. Bởi lẽ ở ngoài kia, Vũ trụ cũng làm những "thử nghiệm" tương tự như với Cỗ máy Z. Nó vừa đóng vai trò của một kẻ đại diện và vừa là người phiên dịch của thế giới chúng ta: đại diện cho những thử nghiệm con người có thể làm, và phiên dịch cho con người khả năng vũ trụ có thể làm. Cỗ máy này có thể tái tạo lại được điều kiện khắc nghiệt của Vũ trụ và đồng thời, đưa ra lời khuyên về các chính sách năng lượng cũng như về mặt chiến thuật quân sự.
Sự hòa hợp này lan ra toàn bộ phòng thí nghiệm Sandia, nơi vừa nghiên cứu năng lượng/vũ khí hạt nhân, lại vừa nghiên cứu những hệ thống năng lượng sạch, những vấn đề môi trường cấp thiết và thậm chí, cả "những giải pháp cho an ninh toàn cầu" – bao gồm bảo mật an ninh mạng, theo dõi tình hình hạt nhân trên thế giới và một số thứ tuyệt mật khác nữa.
Sandia hiện đang gánh vác nhiều sứ mệnh quan trọng, đủ quan trọng để có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài nữa, dù tình hình thế giới có biến chuyển thế nào. Nhưng cũng có thể, khi mà thế giới thấy mối quan tâm về hạt nhân quan trọng hơn mối đe dọa của biến đổi khí hậu, Sandia sẽ không còn là cơ sở nghiên cứu khoa học nữa.