Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin vừa mở cửa cho báo chí vào tham quan nhà máy chế tạo vũ khí bí mật nổi tiếng Skunk Works.
Nằm khoảng 90 km ở phía bắc thành phố Los Angeles là một cơ sở sản xuất vũ khí thuộc hàng bí mật nhất thế giới. Đây là nơi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin đặt nhà máy chế tạo vũ khí công nghệ tối tân Skunk Works.
Rất ít người được phép ra vào nhà máy Skunk Works. Bao quanh khu vực là lớp tường cao với hàng rào điện tử và kẽm gai. Nhưng nếu quan sát bầu trời, người ta có thể nhìn thấy chút ít manh mối về những dự án bí mật đang được triển khai tại Skunk Works, theo Politico.
Tháng trước, Lockheed Martin mời một nhóm phóng viên tới tham quan cơ sở Skunk Works, vén một phần bức rèm bao phủ công việc bí mật của hãng, lần đầu tiên sau 8 năm.
Trong thông báo chính thức, Lockheed cho biết chuyến thăm được tổ chức nhân dịp cắt băng khánh thành một cơ sở hiện đại mới trong khuôn viên của Skunk Works, trên khu đất rộng hơn 2 triệu m2.
Nhưng mục đích thực sự của Lockheed Martin, cũng tương tự nhiều nhà thầu quốc phòng khác, là thu hút sự ủng hộ để giành thêm các hợp đồng từ Lầu Năm Góc, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng eo hẹp, Politico bình luận.
Skunk Works là nơi sản xuất máy bay do thám U-2, loại máy bay có khả năng thu thập thông tin, hình ảnh từ độ cao 21 km. Bên cạnh đó, cơ sở này cũng chế tạo máy bay trinh sát tầm xa SR-71 Blackbird có khả năng bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.
Một sản phẩm khác của Skunk Works là F-117 Nighthawk, loại tiêm kích đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tàng hình hoàn toàn.
Khoảng 85% hoạt động tại Skunk Works được liệt vào danh mục bí mật.
Cơ sở mới xây tại nhà máy Skunk Works của Lockheed Martin. (Ảnh: Lockheed Martin).
Sau khi có mặt tại trung tâm tiếp đón, khách mời của Lockheed được đưa đi qua các đường hầm ngầm và khám phá các khu vực khác nhau trong nhà máy. Nhân viên của Lockheed giám sát chặt chẽ đoàn khách, để bảo đảm họ không nhìn thấy quá nhiều những gì không nên được công khai.
Jeff Babione, phó chủ tịch và là giám sát trưởng của Skunk Works, cho biết cơ sở mới khánh thành là "nhà máy của tương lai".
Khu nhà máy vừa hoàn thành là công trình mới đầu tiên của Skunk Works từ thập niên 1980. Thay vì được thiết kế để lắp ráp một máy bay cụ thể, cơ sở này không có bất cứ máy móc, công cụ cố định nào. Điều này đồng nghĩa nó có thể được tái bố trí dễ dàng khi tiếp nhận dự án mới, ông Babione nói.
Nhà máy mới này cũng là cơ sở đầu tiên của Skunk Works triển khai hệ thống liên lạc không dây bảo mật, cho phép nhân viên có thể truyền thông tin điện tử dễ dàng. Trước đó, mọi thủ tục đều được tiến hành bằng giấy tờ.
Trong vòng 5 năm tới, Lockheed Martin sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD vào chuyển đổi kỹ thuật số.
Khách mời đi đến một hành lang trước khi bước vào nhà máy mới. Một tấm bảng vinh danh Michele Evans, cựu giám đốc chương trình hàng không vũ trụ của Lockheed, qua đời hôm 1/1 vì ung thư được treo ở bức tường bên trái hành lang.
Bên trong khu nhà máy mới, ánh đèn chiếu sáng rực rỡ. Nhiều bản vẽ được bố trí, cho thấy cách nhà máy có thể được thiết kế để sản xuất trong tương lai.
Kỹ thuật điện tử là xu thế mới trong phát triển vũ khí. Công trình mới tại Skunk Works là bước đi nhằm sản xuất máy bay với giá thành rẻ hơn, nhờ sở hữu dây chuyền dự án từ khâu thiết kế cho tới lắp ráp thành phẩm, ông Babione nói.
Nhà máy mới của Lockheed ra đời trong bối cảnh Mỹ đối mặt cạnh tranh chiến lược gắt gao từ Trung Quốc.
Giống với nhiều công ty khác, Lockheed hiểu phải xem xét lại chiến lược hoạt động để thích ứng với diễn biến mới, khi Trung Quốc phát triển các năng lực quốc phòng hiện đại như vũ khí siêu thanh, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Khi di chuyển dưới các đường hầm ngầm, các vị khách tham quan nhìn thấy một cơ sở khác. Đây là nơi đang lắp ráp máy bay siêu thanh X-59 cho NASA, một trong số ít dự án không mật ở Skunk Works.
Khu lắp ráp X-59 được chia tách với phần còn lại của cơ sở này bằng một bức tường cao đến trần nhà, để bảo đảm thông tin về các vũ khí bí mật đang được phát triển không bị rò rỉ.
X-59 là máy bay vận chuyển siêu thanh được thiết kế để giảm thiểu tiếng ồn của vụ nổ siêu thanh thường nghe thấy trên mặt đất khi máy bay tăng tốc. X-59 dài khoảng 30 m, chiều rộng sải cánh khoảng 9 m.
"Tiếng nổ sẽ chỉ như đóng cửa xe ôtô", Atherton Carty, phó chủ tịch chiến lược và phát triển kinh doanh của Lockheed, nói.
Nhà máy Skunk Works sử dụng lại nhiều cấu phần của các dự án trước đây để phát triển X-59. Chiếc máy bay siêu thanh sử dụng phần mái che của máy bay huấn luyện T-38, bộ phận hạ cánh của tiêm kích F-16, động cơ của tiêm kích F/A-18, giúp làm giảm giá thành.
Thiết bị bay không người lái mà Lockheed Martin đang phát triển. (Ảnh: Lockheed Martin).
Tháng 9/2020, Skunk Works công bố một dự án có tên Speed Racer, nhằm phát triển một loại khí tài giống như tên lửa hành trình có cánh hoặc thiết bị bay không người lái.
Skunk Works hiện tập trung vào dự án phát triển các vũ khí siêu thanh, như tên lửa AGM-183. Bên cạnh đó, cơ sở này cũng theo đuổi chương trình phát triển máy bay tiêm kích thế hệ tiếp theo thay thế các máy bay huyền thoại là F/A-18 và F-22.
Skunks' Den là phòng duy nhất tại Skunk Works không nằm trong cấp độ mật. Căn phòng này cũng giống như những phòng họp thông thường.
Điểm khác biệt là nó trưng bày khoảng 60 mô hình cơ nhỏ và vừa, được đặt phía sau những lớp kính, đây là những vũ khí được Lockheed phát triển thành công sau hàng thập kỷ.
Từ khi ra đời năm 1943, Skunk Works đã là một huyền thoại. Ban đầu, Skunk Works đảm nhận thiết kế và sản xuất máy bay tiêm kích đầu tiên của Mỹ, trong bối cảnh Thế chiến 2 leo thang.
Trong dự án đầu tiên, các kỹ sư của Skunk Works đã hoàn thành công việc và bàn giao máy bay chỉ sau 143 ngày, tất cả diễn ra trong những chiếc lều tạm được thuê từ đoàn xiếc.
Qua gần 80 năm, Lockheed đã trở thành một trong những tập đoàn vũ khí công nghệ cao dẫn đầu thế giới, với Skunk Works là nơi chế tạo các thế hệ máy bay trứ danh cho Mỹ cùng các đồng minh.
Nhưng tất cả những thành công cũng không che giấu được một thực tế rằng Lockheed đang đối mặt nhiều vấn đề và bị chỉ trích.
Các nghị sĩ Mỹ vài năm qua liên tục cảnh báo về mức giá cắt cổ cùng hiệu quả hoạt động của máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35, một sản phẩm ra đời từ Skunk Works. F-35 đã trở thành chương trình đắt đỏ nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc.
Máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin phát triển. Ảnh: Không quân Mỹ.
Dù doanh thu vẫn giữ được đà tăng, mà phần lớn đến từ các hợp đồng với chính phủ Mỹ, cổ phiếu của Lockheed đang chật vật trên thị trường kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Mới đây, một lãnh đạo lâu năm của Lockheed là quyền Giám đốc Tài chính Kenneth Posseriede đột ngột tuyên bố nghỉ hưu với lý do cá nhân. Quyết định này được đưa ra trùng hợp với thời điểm Lockheed công bố khoản thua lỗ 225 triệu USD của chương trình vũ trụ tuyệt mật.
Lockheed cho biết khoản thua lỗ nói trên đến từ hiệu suất của dự án, được phát hiện khi công ty này tiến hành điều tra sâu chương trình vũ trụ.
"Tại kết luận rà soát dự án, cũng như dựa trên đàm phán với các khách hàng, các bên nhất trí tổng chi phí để hoàn thành dự án sẽ vượt quá giá trị hợp đồng ban đầu", tài liệu của Lockheed cho biết.
Bởi tính chất mật của chương trình vũ trụ, nhiều khả năng dự án này có liên quan tới nhà máy Skunk Works. Tuy nhiên, trong chuyến thăm của các phóng viên, giới lãnh đạo Lockheed từ chối bình luận về khoản 225 triệu USD thua lỗ.
Byron Callan, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn chính sách Capital Alpha Partners, cho biết Lockheed có nhiều lý do để "khoe" cơ sở sản xuất của họ.
Nhà máy Skunk Works đang đầu tư lớn vào lĩnh vực kỹ thuật số, Lockheed muốn cạnh tranh với Boeing và Northrop Grumman nhằm giành lấy hợp đồng trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ sắp tới.
"Rất nhiều hạng mục đang được triển khai thuộc loại mật. Đây là cách để Lockheed cho thấy họ là một nhà thầu cạnh tranh và đã đầu tư lớn trong những lĩnh vực này", ông Callan nói.