Bệnh của gia súc non

  •   1,84
  • 3.031

Gia súc non là những cơ thể đang phát triển, các quá trình đồng hoá và dị hoá tiến hành ở mức cao. Song ở gia súc non, chức năng hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể cũng dần dần hoàn chỉnh và ổn định. Vì vậy trong giai đoạn này cơ thể gia súc non có những đặc điểm sau:

1. Hệ tuần hoàn

Cơ tim của gia súc non mềm yếu, tần số tim đập nhanh và hay bị loạn nhịp sinh lý. Tốc độ đông máu nhanh, độ pH trong máu nghiêng về toan. Hàm lượng protein trong máu thấp (chỉ bằng ½ của gia súc trưởng thành), lượng g globulin trong máu rất ít, sự cân bằng về Ca và P thay đổi luôn luôn vì nhu cầu tạo xương, nhu cầu về Fe++ cao để máu tăng liên tục.

2. Hệ hô hấp

Lỗ mũi của gia súc non ngắn và nhỏ, mao mạch ở niêm mạc lộ rõ, tổ chức phổi mềm yếu, hệ thống hạch phát triển kém, sức đề kháng kém. Do lồng ngực còn nhỏ và hẹp nên chúng thở nhanh, nông và thở thể bụng.

3. Hệ tiêu hoá

Ở bê nghé và dê con, rãnh thực quản thường đóng kín đến dạ thứ tư, cho tới khi được 9-10 tháng tuổi, rãnh mở rộng dần và con vật ăn được thức ăn thô. Trong thời gian bú sữa, dạ cỏ phát triển chậm, cơ ruột yếu, đồng thời các men tiêu hoá hình thành chưa đầy đủ, khả năng giải độc kém. Vì vậy gia súc non rất dễ bị mắc bệnh đường tiêu hoá, tỷ lệ chết rất cao.

4. Hệ tiết niệu

(Ảnh: Mybunnies)Gia súc sơ sinh không có urobilinogen trong nước tiểu, sau 3-10 ngày tuổi trở lên mới có và nồng độ urobilinogen tăng dần, đến 7 tháng tuổi thì giống ở gia súc trưởng thành.

5. Khả năng điều tiết thân nhiệt

Khả năng điều tiết thân nhiệt của gia súc non rất kém, do đó nó rất nhạy cảm với sự thay đổi khí hậu bên ngoài, nhất là nhiệt độ lạnh dễ làm gia súc non bị bệnh. Ở gia súc non từ 15-20 ngày tuổi thân nhiệt mới dần ổn định.

Với tất cả những đặc điểm trên, gia súc non dễ bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng đến nặng suất và chất lượng đàn gia súc.

Chứng suy dinh dưỡng

Gia súc non toàn đàn hoặc trong một đàn có một số con gầy yếu, còi cọc, chậm lớn, đó là hiện tượng suy dinh dưỡng.

1. Bệnh nguyên

- Do gia súc mẹ trong thời kỳ mang thai ít được bồi dưỡng, thức ăn thiếu protit, khoáng, vitamin.

- Gia súc mẹ bị mắc bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, hoặc do phối giống đồng huyết làm quá trình trao đổi chất của gia súc non giảm, dẫn đến còi cọc, chậm lớn.

- Do gia súc non bị bệnh như viêm ruột, viêm phổi, ký sinh trùng…

2. Cơ chế sinh bệnh

Quá trình dẫn đến suy dinh dưỡng, đầu tiên thường bắt đầu bằng rối loạn tiêu hoá, làm khả năng vận động và tiết dịch của dạ dày và ruột giảm, từ đó các chất đạm, khoáng, sinh tố được hấp thụ kém. Từ suy dinh dưỡng sẽ làm giảm quá trình hưng phấn của vỏ não, do đó mất khả năng điều chỉnh các trung khu dưới vỏ não. Mặt khác, để duy trì sự sống, có thể phải tiêu hao năng lượng của bản thân chúng, làm cơ thể ngày càng gầy yếu, sức đề kháng cũng giảm, vật hay mắc bệnh hay quá suy nhược mà chết.

3. Bệnh tích

Con vật thường da khô, lông xù, đôi khi xuất hiện thuỷ thũng dưới hầu, trước ngực, âm nang. Khi mổ không thấy lớp mỡ dưới da, thịt trắng bệch. Cơ tim nhão, lớp mỡ vành tim bị thoái hoá keo. Phổi teo lại, có từng đám bị xẹp, gan bị teo và nhợt nhạt.

4. Triệu chứng

Con vật bị suy dinh dưỡng thường bị chậm lớn, lông xù, niêm mạc nhợt nhạt, bốn chân yếu, đi không vững, thích nằm một chỗ, đôi khi có hiện tượng phù. Thở nhanh và nông, tim đập nhanh, nhu động dạ dày và ruột giảm, khi thức ăn trong ruột tích lại lên men sinh ra ỉa chảy. Thân nhiệt thường thấp.

Kiểm tra máu: hàm lượng huyết sắc tố giảm, số lượng hồng cầu và bạch cầu giảm, tỷ lệ lâm ba cầu tăng, trong máu xuất hiện các dạng hồng cầu non.

5. Điều trị

- Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho con mẹ. Con con đẻ ra phải cho bú sữa đầu, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi ấm và sạch, tập cho gia súc non ăn sớm.

- Cần bổ sung thêm trong khẩu phần ăn của gia súc non các loại khoáng vi lượng, các loại vitamin (chú trọng vitamin D).

Theo NXB Nông Nghiệp, Khoa học kỹ thuật NN
  • 1,84
  • 3.031