Đàn chó hoang luôn tìm cách tấn công các “con mồi”, trở thành mối đe dọa, thách thức với người dân và nhà chức trách Ấn Độ.
Hàng ngày, biệt đội săn chó hoang ở bang Kerala, Ấn Độ luôn túc trực, sẵn sàng đồ nghề lên đường làm nhiệm vụ, bất kỳ khi nào nhận được lời kêu cứu từ người dân.
"Xử lý chúng ngay đi”, một phụ nữ không kìm nổi cơn bức xúc, nói vọng ra từ hiên nhà. Trong khi đó, ông hàng xóm vội giãi bày chuyện đàn chó hoang đã “xơi tái” một nửa số vịt ở trang trại của mình.
Ayoos Sajimon, 7 tuổi, đang dần hồi phục sau nhiều cuộc phẫu thuật vì chó cắn. (Ảnh: Washington Post).
Cùng chung cảm xúc, người đi đường đứng tụm năm tụm ba, xì xào về những vụ đàn chó hoang tấn công người già và lũ trẻ nhỏ trong vùng. Vài người trong số họ tay cầm điện thoại, chăm chú ghi lại cảnh bắt chó của "biệt đội thợ săn". Mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, mọi hiểm nguy luôn rình tập, họ cảm giác “như đang bơi cùng đàn cá mập”. Chỉ có điều, cuộc đua này lại ở trên cạn, giữa đường phố Ấn Độ.
Trong khi đó, những người bị chó hoang tấn công đang được chữa trị tại bệnh viện lớn nhất bang Kerala, nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Những đứa trẻ vô tội bị chó cắn bất ngờ trên đường tới trường hay thậm chí là ngay trước cửa nhà.
Họ cùng có một nỗi ám ảnh, cùng kể về một câu chuyện: Bị chó hoang tấn công.
Ấn Độ là quốc gia có nhiều chó thả rông nhất thế giới, khoảng 30 triệu con. Hơn nữa, người dân ở đất nước Nam Á đang phải chịu nhiều tổn thương về thể chất và tâm lý vì con vật này. Các thống kê cho thấy trung bình mỗi năm, khoảng 20.000 người chết vì nhiễm bệnh dại tại Ấn Độ, chiếm hơn 1/3 số ca của thế giới.
Chỉ tính riêng ở bang Kerala, hơn 100.000 vụ chó cắn được báo cáo vào năm 2015, con số này không ngừng tăng mỗi năm. Tháng 5/2016, giới chức Ấn Độ cho biết trong giai đoạn từ 1994 đến 2015, khoảng 434 người dân ở Mumbai tử vong vì bệnh dại, cả nước có khoảng 1,3 triệu người bị chó cắn. Nhà chức trách nước này đang đau đầu, vật lộn với vấn đề chó đi lang thang và nguy cơ dịch bệnh lan truyền chóng mặt.
Đàn chó hoang lẩn khuất trong các công viên, con hẻm, góc phố và rú man rợ giữa đêm khuya. Người đi bộ thường mang theo những khúc tre để xua đuổi chúng, người đi xe đạp thì nhét gạch đầy túi để ném chống trả "những gã thợ săn" ranh mãnh.
Trong vài năm gần đây, hàng trăm chó hoang, chó thả rông bị tiêu hủy ở quốc gia được mệnh danh "vùng đất Phật". Cuộc thanh trừng này khiến các tổ chức bảo vệ động vật lên án gay gắt, biểu tình liên tiếp nổ ra. Họ cho rằng con vật này “không thể trở thành mối đe dọa với toàn xã hội”.
"Chúng tôi muốn Kerala sạch bóng chó hoang. Hãy nhìn các nước phương Tây, liệu ở đó có con chó nào tự do đi lại trên đường không? Hàng ngày, người già và trẻ nhỏ cứ phải canh cánh nỗi lo bị chó cắn", Jose Mavelli, người sáng lập tổ chức diệt trừ chó hoang, phản bác.
Trên đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp nhiều tấm pano, áp phích tuyên truyền về dịch bệnh dại. Hình ảnh những chiếc răng nanh sắc nhọn không khỏi khiến người xem rùng mình, cảnh giác. Trong cuộc bầu cử tại bang Kerala vào năm 2016, cử tri thậm chí còn kêu gọi nhau bầu cho các ứng viên chủ trương mạnh tay "dẹp loạn" nạn chó thả rông.
Malini Jadeja, người dân sống ở Delhi, cho biết một lần chị đang dắt chó cưng Fudge Fadge đi dạo thì 2 con chó hoang đột ngột xuất hiện và tấn công. Fudge bị mắc vào dây xích nên không thể chạy đi.
"Tôi cố kéo chúng ra, nhưng cứ lôi được một con ra thì con còn lại lao vào. Cuối cùng, chúng cắn chết Fudge ngay trước mắt tôi", cô đau lòng kể lại. Jadeja vẫn luôn tự trách mình và vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc đau lòng đó.
Tiến sĩ Radhey S.Sharma, Chủ tịch Hiệp hội Thú y Ấn Độ, khẳng định việc dắt chó đi dạo trên đường phố là “điều bất khả thi”, bởi đàn chó hoang luôn túc trực và tấn công bất ngờ.
Chó hoang tấn công người đi đường. (Ảnh: NY Times).
Bé Arshpreet Kaur tròn 3 tuổi, bị một con chó hoang tấn công khi đang chơi trong nhà. Sau một tuần, Arshpreet xuất hiện các triệu chứng nhức đầu và sốt. Cô bé nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê sâu khi được đưa tới bệnh viện. Sau 9 năm sống thực vật, gia đình và bạn bè của cô bé đành đau xót nói lời từ biệt mãi mãi với Arshpeet.
"Chó thả rông lang thang khắp nơi ở Delhi”, Jasmeen Kaur, mẹ của Arshpreet, khóc nấc lên từng tiếng trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với NY Times. “Chúng tôi sợ bị chó cắn hơn bất cứ thứ gì trên đời”.
Bác sĩ thú y Kishore Janardhanan thẳng thắn chia sẻ quan điểm: "Người dân cứ luôn hô hào: "Giết chó, giết chúng đi nhưng việc này như "muối bỏ biển", bởi số lượng đàn chó hoang rất đông. Chúng ta đừng trông chờ vào một giải pháp dễ dàng hay kỳ diệu nào. Điều cần làm duy nhất là khử trùng sạch sẽ, nhưng nó đã bị lãng quên rồi".
Tháng 4/2016, Tòa án tối cao ở Ấn Độ yêu cầu chính phủ bang Kerala phải trả 600 USD cho người thân nạn nhân mắc bệnh dại vì chó cắn. Từ năm 2001, Ấn Độ ban hành luật cấm giết chó, song điều này không thể ngăn cản các nhà chức trách ở Mumbai và Kerala tiêu hủy các bầy chó hoang. Sau đó, việc tiêu hủy này được ngừng lại, nhiều chương trình khử trùng được thực hiện trên quy mô rộng hơn. Song, chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn bởi nguồn vốn hạn hẹp.
Đàn chó hoang không chỉ khiến người dân khiếp sợ vì hàm răng nanh sắc nhọn mà còn lây truyền các dịch bệnh, ký sinh trùng khác.
Ông Arpan Sharma, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các Tổ chức Bảo vệ Động vật Ấn Độ, nói: "Để giảm số lượng chó hoang, điều đầu tiên cần làm là xử lý các khu vực rác thải. Sau đó là tiến hành các chiến dịch triệt sản và tiêm vaccine cho chúng”.