Bệnh đau nửa đầu ở trẻ em

  •   1,52
  • 3.275

Trong các chứng đau đầu ở trẻ em thì đau đầu do rối loạn vận mạch kiểu đau nửa đầu (migraine) khá phổ biến đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, trẻ gái bị nhiều hơn trẻ trai. Bệnh có tính chất gia đình và thường biểu hiện khu trú ở một bên đầu, diễn biến có tính chu kỳ với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng.

Nguyên nhân

Bé gái bị đau đầu Migraine

Bé gái bị đau đầu Migraine
(Ảnh: nowleap)

Nguồn gốc của đau nửa đầu là do sự rối loạn co giãn các mạch máu não, tuy nhiên nguyên nhân gây rối loạn co giãn mạch vẫn chưa rõ ràng. Người ta chỉ thấy một số yếu tố thuận lợi đó là bệnh thường khởi phát xung quanh lứa tuổi dậy thì và có tính chất gia đình, thường là mẹ bị Migraine thì con gái cũng bị.

Bên cạnh đó chu kỳ kinh nguyệt (ở trẻ gái) và các yếu tố tâm lý, cảm xúc cũng ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Ngoài ra một số yếu tố khác như thức ăn có chứa tyramin và phenylethylamin (có nhiều trong sữa bò, trứng, fomat, sô-cô-la yếu tố gây dị ứng… cũng gây cơn đau đầu Migraine.

Đau đầu migraine thông thường

Bệnh thường khởi phát sau một hoạt động gắng sức, sau khi bị nhiễm trùng hoặc ăn một số loại thức ăn như sữa bò, trứng, sô-cô-la… Riêng ở bé gái bệnh hay xuất hiện trước ngày hành kinh. Thông thường trước khi đau đầu từ vài giờ đến vài ngày trẻ thay đổi tính tình, mệt mỏi, kém ăn rồi cơn đau đầu xuất hiện.

Đau đột ngột dữ dội, vị trí đau khởi đầu thường là ở vùng trán một bên đôi khi cả hai bên sau đó lan tỏa ra nửa đầu hoặc toàn bộ đầu. Trong cơn đau sắc mặt trẻ xanh xao, da lạnh, bệnh nhi có cảm tưởng thái dương như căng ra, mạch máu ở thái dương đập mạnh kèm theo đó là cảm giác lợm giọng, buồn nôn, nôn và đau bụng vùng thượng vị. Bên cạnh đó nhiều bệnh nhi còn thấy hoa mắt và có những vân sáng lấp lánh chạy ngoằn ngoèo trước mắt nhưng những rối loạn thị giác kiểu này chỉ xuất hiện 10-20 phút rồi hết.

Một đặc điểm nữa là trẻ đau đầu nhiều hơn khi gắng sức, khi tiếp xúc với ánh sáng và tiếng động mạnh, đau giảm đi khi nghỉ ngơi do đó trẻ có biểu hiện sợ ánh sáng và đòi nằm một mình ở chỗ tối, không muốn cho người khác đụng vào mình. Lúc này nếu trẻ ngủ được thì cơn nhức đầu có thể ngắn lại và khi tỉnh giấc sẽ hết đau đầu, cơ thể lại trở về bình thường, tuy vậy ở một số trẻ sau khi ngủ dậy vẫn còn hơi nhức đầu và mệt mỏi kéo dài đến hôm sau mới hết hẳn. Đặc điểm cuối cùng là những cơn đau nhức đầu loại này kéo dài từ một đến nhiều giờ ngoài cơn trẻ hoàn toàn bình thường và số lần cơn tái diễn cũng khác nhau tùy từng bệnh nhi.

Các thể bệnh Migraine khác

Migraine của động mạch thân nền

Đo điện não (EEG) cho bệnh nhân
Đo điện não (EEG) cho bệnh nhân (Ảnh: itic.org.ge)
Gặp ở trẻ gái thời kỳ dậy thì và lúc hành kinh đặc biệt là những trẻ có tiền sử gia đình có mẹ cũng bị đau nửa đầu. Bệnh khởi đầu bằng những rối loạn thị giác hai bên như ám điểm loé sáng, giảm thị lực, nhìn mờ thậm chí mất thị lực cả hai mắt, ngoài ra một số trẻ còn loạn cảm giác, nói khó, chóng mặt, rối loạn ý thức. Tất cả những rối loạn trên xuất hiện trước cơn nhức đầu vài phút đến nửa tiếng rồi biến mất ngay khi cảm giác đau đầu xuất hiện, đau ở vùng chẩm kèm theo buồn nôn và nôn.

Migraine liệt nửa người

Đột ngột trẻ bị liệt và rối loạn cảm giác ở một nửa người, liệt ở tay nặng hơn ở chân nhưng không liệt mặt. Đi kèm với liệt nửa người là đau nửa đầu phía đối diện với bên liệt. Các triệu chứng này cũng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ rồi khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.

Migraine thể bụng

Đột ngột trẻ đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, quanh rốn kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng lúc này trẻ có đau đầu nhưng rất kín đáo, các triệu chứng này thường chỉ diễn ra trong vòng vài giờ rối hết, tuy nhiên có thể tái phát nhiều lần làm cho cha mẹ lo lắng và đưa trẻ đi khám tiêu hóa và ngoại khoa làm đủ các loại xét nghiệm, nhưng không phát hiện bệnh gì, bởi vì đa số các bác sĩ và cha mẹ trẻ chỉ chú ý đến triệu chứng đau bụng mà không hỏi xem trẻ có bị đau đầu không.

Tóm lại các triệu chứng đau đầu Migraine rất phong phú nên dễ nhầm lẫn với các bệnh ở bụng như viêm ruột thừa, đau dạ dày và các bệnh của hệ thần kinh như động kinh, xuất huyết não, u não… Chính vì vậy phải khám bệnh thật kỹ đặc biệt là khám thần kinh, ngoài ra phải làm thêm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, điện não đồ chụp X quang sọ… Riêng với điện não có rất nhiều trường hợp Migraine biểu hiện sóng điện giống như động kinh do vậy cần làm nhiều lần để loại trừ các bệnh trên.

Điều trị

Điều trị triệu chứng bằng thuốc giảm đau non-steroide như Aspirine, Paracetamol, Voltaren kết hợp với nghỉ ngơi yên tĩnh, nếu không đỡ thì có thể cắt cơn đau đầu bằng dẫn xuất của ergotamin như Migwell, Gynergen. Việc điều trị dự phòng khi cơn dày ít nhất từ 3 cơn mỗi tháng trở lên bằng thuốc ergotamin như đã nói ở trên, ngoài ra có thể dùng thuốc kháng serotonin (Desernil), thuốc chẹn canxi (Sibelium), thuốc chẹn bêta (Propranolol). Lưu ý hạn chế một số loại thức ăn có thể gây cơn đau đầu ở trẻ như sô-cô-la, sữa bò, trứng, pho-mát.

BS. NGUYỄN THẾ ANH

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, TTO
  • 1,52
  • 3.275