Các nhà khoa học Australia đã tìm ra nguyên nhân lý giải vì sao có một tỷ lệ cao các bệnh nhân nhiễm HIV bị mắc thêm bệnh mất trí nhớ.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Burnet tại Melbourne, bang Victoria, phát hiện ra rằng virus HIV có thể lẩn trốn trong não bộ, tự bảo vệ trước sự tấn công của hệ miễn dịch và các loại thuốc kháng virus (ARV).
Vùng não bộ bị nhiễm virus HIV này thường khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ.
Nhà nghiên cứu Lachlan Gray cho biết khi virus HIV thâm nhập vào tế bào não, nó sẽ tự động biến đổi theo hướng tự kiềm chế hoạt động và gần như "im lặng." Đây là cách virus HIV lẩn trốn trong tế bào, chúng không hề tạo ra vỏ protein đặc trưng của virus nên hệ miễn dịch và các loại thuốc không thể phát hiện ra chúng.
Ông Gray nhấn mạnh khám phá này giúp bào chế các loại thuốc đặc trị HIV/AIDS mới. Ông nói: "Chúng ta có thể phát minh ra các loại thuốc phục hồi hoạt động của virus HIV và nhờ đó, hệ miễn dịch và các loại thuốc kháng virus có thể phát hiện tế bào bị nhiễm và loại bỏ khỏi não."
Hiện khoảng 1/5 tổng số bệnh nhân HIV/AIDS trên thế giới bị mất trí nhớ và tỷ lệ này đang ngày càng tăng khi các loại thuốc ARV mới được bào chế giúp bệnh nhân sống lâu hơn.