Bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (DMD) thường được biết đến là bệnh làm chậm sự phát triển vận động và phối hợp ở trẻ em, nhưng giờ đây một cuộc nghiên cứu mới cho biết bệnh này còn có thế làm chậm cả sự phát triển ngôn ngữ.
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí the Journal of Pediatrics thì trong số 3.500 bé trai chào đời, sẽ có khoảng 1 bé bị DMD. Người ta thường nghĩ bệnh này chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến cơ bắp vì trẻ ngày càng trở nên yếu dần đi. Tuy nhiên, việc chậm biết dùng từ cũng đã được ghi nhận ở trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh này.
|
Trẻ bị bệnh loạn dưỡng cơ (Ảnh: meddean.luc.edu) |
Để nghiên cứu thêm về vần đề này, bác sĩ Veronica J. Hinton thuộc Trường Đại học Columbia ở New York và các đồng nghiệp đã phân tích các bản tường trình của phụ huynh để đánh giá kết quả của 10 mốc phát triển thông thường ở 130 trẻ bị DMD và 59 anh chị em ruột của trẻ không bị DMD. Các mốc phát triển này bao gồm biết cười, ngồi, bò, đứng, đi, nói, nói được cả câu, tập đi tiêu, đi tiểu, và biết đọc.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng
trẻ bị DMD rất có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ và vận động hơn so với anh chị em ruột của chúng. Kết quả nghiên cứu này còn cho biết rằng trẻ bị DMD được xếp vào nhóm trẻ chậm biết đi hoặc chậm biết nói và có điểm số về khả năng nhận nhức thấp hơn so với những trẻ biết đi và biết nói theo đúng độ tuổi.
Bà Hinton và các cộng sự kết luận:
“Kết quả nghiên cứu này giúp nhấn mạnh sự cần thiết phải có những can thiệp sớm cho các trẻ bị DMD. Việc sớm bắt đầu sự can thiệp này có thể giúp hạn chế những vấn đề học hỏi về sau, và có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm trẻ vốn phải đối đầu với những nghịch cảnh có những thử thách lớn về thể chất và cảm xúc”. Hồng Lĩnh