Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở 38 tỉnh, thành

  •  
  • 298

Theo Bộ Y tế, trong hai tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận 5.263 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38 tỉnh, thành phố, 3 người tử vong.

Tuyệt chiêu "ăn - mặc - ở" giúp bạn tiêu diệt muỗi triệt để

Trong báo cáo của Bộ Y, trong số hơn 5.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết có 3 trường hợp đã tử vong tại Đồng Tháp, Đồng Nai và Long An. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 27%, tử vong tăng 2 trường hợp.

Trong khi đó, từ đầu năm cả nước cũng ghi nhận 5.333 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp (1 người), Hậu Giang (1 người).

Đặc biệt, các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh thủy đậu và một số bệnh truyền niễm đang vào mùa, trẻ em dưới 10 tuổi rất dễ mắc.

Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở 38 tỉnh, thành
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện

Trao đổi với PV sáng 3/3, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mấy ngày gần đây, Khoa Nhi đã phát hiện một số trẻ đến khám do thủy đậu.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo bệnh thủy đậu và một số bệnh truyền nhiễm đang vào mùa. Bệnh lây qua đường hô hấp, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra từ bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, chảy nước mũi nhất là trẻ em.

Ông Dũng cho biết, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong thời gian này, bệnh viện đã xuất hiện một số ca mắc bệnh thủy đậu và một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng.

Để phòng các bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh truyền nhiễm là tiêm vắc-xin.

Ngoài ra, người dân nên vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo thức ăn cho trẻ đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nhà trẻ, mẫu giáo và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo danviet.vn
  • 298