Bệnh viêm da do tiếp xúc côn trùng

  •  
  • 1.468

Viêm da tiếp xúc do côn trùng trước đây thường xuất hiện vào những tháng cuối năm. Trong vài năm gần đây, bệnh không xuất hiện "thành đợt" mà rải rác suốt cả năm. Tại thời điểm này trong giai đoạn thời tiết giao mùa có những chuyển biến bất thường, nguy cơ về sự xuất hiện của bệnh rất lớn và khó phòng tránh...

Côn trùng nào gây bệnh?

Kiến khoang - tên khoa học là Paedérus

Kiến khoang - tên khoa học là Paedérus
(Ảnh: koleopterologie)

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác loại côn trùng gây ra bệnh này. Một số tác giả cho rằng nguyên nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng (VDTXDCT) có thể do kiến khoang (kiến kim, kiến lác, kiến nhốt, kiến cằm cặp... tùy từng địa phương) có tên khoa học là Paedérus - là loại côn trùng thuộc họ Staphylinidae có tới gần 20.000 giống khác nhau nhưng thường gặp là P. Literlis, P. Fiscipes, P. Caligatus... Đây là loại côn trùng của vùng nhiệt đới, nóng ẩm.

Côn trùng thường ẩn náu ở những bờ ruộng, dưới những đống vật liệu dư thừa hoặc những bãi rác thải... khi mưa ngập nước không còn nơi cư trú nữa, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn và tiếp xúc với những vật dụng trong nhà như khăn tắm, khăn rửa mặt, giường chiếu chăn màn, quần áo... gây bệnh VDTXDCT cho người sử dụng những vật dụng đó.

Do đó, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa bão, nhất là sau những trận mưa lớn. Người bệnh đột nhiên thấy rát bỏng ở vùng da buổi sáng sau khi ngủ dậy (trên 60%), trên 70% người bệnh làm việc dưới ánh đèn như tại công sở, trường học... Vết rát bỏng thường gặp ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân, cũng có thể rải rác khắp người hoặc ở các nếp gấp.

Có những đợt, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều bệnh nhân VDTXDCT, có ngày có tới 46 bệnh nhân viêm da tiếp xúc vào viện, chỉ trong 10 ngày đã có 181 (9,8%) bệnh nhân trên tổng số 1.829 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Cũng có tháng có 1.201 (20,4%) bệnh nhân viêm da tiếp xúc trên tổng số 5.886 bệnh nhân đến khám, bệnh xuất hiện thành từng đợt và nhiều nhất ở các huyện ngoại thành Hà Nội.

Phương pháp điều trị tổn thương

Tổn thương lúc đầu là đám da màu đỏ hình dài như vết cào, vết xước hoặc tạo thành đám có kích thước to nhỏ khác nhau. Sau một vài giờ hoặc một ngày, xuất hiện mụn nước, phỏng nước ở giữa đám da đỏ đó. Có thể là đám phỏng nước ở giữa bị xẹp hình tròn, bầu dục hoặc vệt dài trông giống như có vật cứng đè ép trực tiếp vào đó.

Viêm da

Viêm da

Một số bệnh nhân có tổn thương đối xứng qua nếp gấp lớn như khoeo chân, khuỷu tay, bẹn, nách, cổ... Ở những vùng tổ chức lỏng lẻo như chung quanh mắt, nách, bẹn... tổn thương phù nề nhiều, bệnh nhân đau rát và rất khó chịu. Tổn thương lúc đầu chỉ rát bỏng, sau có thể đau rát hoặc đau nhức nhiều nếu có nhiễm trùng kèm theo. Bệnh nhân có thể sốt nhưng không bao giờ sốt cao. Với triệu chứng biểu hiện ngoài da như trên cần được điều trị sớm, bệnh khỏi sau bảy đến 10 ngày và sẽ không để lại sẹo nếu không có nhiễm trùng.

Phương pháp xử trí. Ngay sau khi xuất hiện rát đỏ và cảm giác rát bỏng, cần dùng nước muối 0,9% (mua ở cửa hàng thuốc hoặc tự pha nhạt như nước mắt hoặc nhạt hơn canh) rửa và đắp vào chỗ tổn thương 5-10 phút một lần, mỗi ngày từ 3-4 lần. Nếu không thấy đỡ, cần đến khám tại các cơ sở có phòng khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chuyên khoa điều trị kịp thời.

Các thuốc làm dịu da, giảm kích ứng có thể dùng trong giai đoạn mới chỉ có đỏ da và rát bỏng như: dung dịch Jarish, dung dịch acid boric, hồ nước, hồ tetra-pred, dầu kẽm, kem có corticoid. Khi có nhiễm trùng (phỏng mủ) thì dùng dung dịch mầu như milian xanh methylen... và mỡ kháng sinh (bactroban, fucidin, foban, gentamycin...). Thuốc toàn thân: kháng histamin, kháng sinh khi có nhiễm trùng, giảm đau, hạ sốt nếu có sốt và nhiễm trùng.

Biện pháp phòng bệnh

Các cửa sổ và cửa ra vào có thể lắp lưới chống muỗi và côn trùng. Khi ngồi làm việc dưới ánh đèn và quạt, tránh đập quệt khi có cảm giác vướng trên da.

Trước khi đi ngủ phải làm sạch giường chiếu, chăn màn, tốt nhất là dùng khăn ướt lau để làm sạch chất thải của côn trùng rơi trên chăn, chiếu.

Kiểm tra cẩn thận khăn mặt và các đồ dùng trước khi tắm rửa.

Khi thấy có những biểu hiện nghi ngờ bị bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu như Viện Da liễu Việt Nam, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM và các bệnh viện có phòng khám chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo Thế giới mới, Tuổi trẻ
  • 1.468