Các nhà nghiên cứu xác nhận chiếc đầu thu nhỏ hàng trăm năm tìm thấy ở Nam Mỹ là hài cốt người thật thông qua ảnh chụp cắt lớp.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mới hé lộ chiếc đầu tý hon dài 8,4 cm được quyên tặng cho một bảo tàng ở Canada vào thập niên 1940 là thật và từng là chiếc đầu của một người phụ nữ thổ dân Peru. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Western cho biết có thể quan sát thân tóc đâm qua lớp thượng bì, tương tự như nang tóc ở hạ bì. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 3/8 trên tạp chí PLOS One.
Tsantsas trưng bày ở bảo tàng.
Đầu lâu thu nhỏ hay còn gọi là "tsantsas" là một kỹ thuật được truyền bá bởi thổ dân ở Ecuador và Peru cho tới giữa thế kỷ 20. Giới nghiên cứu cho rằng tsantsas chứa linh hồn và tri thức của người chết, do đó có thể mang tới sức mạnh siêu nhiên cho người sở hữu. Tuy nhiên, vài tsantsas giả làm từ bộ phận cơ thể động vật hoặc vật liệu khác thường sử dụng trong bản sao thương mại, khiến việc phân biệt đồ thật trở nên khó khăn. Tsantsas thương mại thường sử dụng da động vật, bao gồm lợn, khỉ và con lười.
Sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính lâm sàng (CT) và vi CT độ phân giải cao, nhóm nghiên cứu có thể xác định tsantsa nằm trong bộ sưu tập ở Bảo tàng Chatham-Kent tại Chatham, Ontario, là hài cốt của người thật. Chụp CT tạo ra hình ảnh 2 chiều một "lát" của bộ phận cơ thể, sau đó ảnh chụp được tập hợp và phân lớp để dựng ảnh 3 chiều. Các nhà nghiên cứu không biết rõ niên đại của tsantsa ở Chatham mà chỉ có thể ước tính khoảng vài thế kỷ.
Thường được chế tác bởi những người đàn ông theo một quy trình nhiều bước công phu, tsantsas chủ yếu làm từ da hộp sọ của kẻ thù bị giết trong trận chiến. Quá trình man rợ này bao gồm rạch phía sau đầu, lột lớp da và tóc ra khỏi hộp sọ, nhúng vào nước và cát nóng. Giới khoa học suy đoán tsantsas ra đời sớm nhất vào thế kỷ 16 để giữ linh hồn bên trong thi thể do phần mắt và miệng bị khâu kín. Thông qua thu nhỏ đầu của kẻ thù, những thổ dân tin rằng người chiến thắng sẽ điều khiển được linh hồn của họ và ngăn chặn sự báo thù.
Tsantsas được sử dụng trong nghi thức cúng tế nhằm chuyển sức mạnh của đầu lâu thu nhỏ sang người sở hữu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người châu Âu vào thế kỷ 19 khiến tsantsas có nhiều giá trị về mặt thương mại. Do sự tò mò, nhu cầu đối với tsantsas vượt quá nguồn cung cấp, dẫn tới thị trường đồ giả.
Ghi chép ban đầu về tsantsas ở Chatham không đủ để xác định đây là đồ thật hay giả. Nhưng nhóm nghiên cứu biết ngay họ đang xem xét hài cốt người thật khi kiểm tra mắt, tai và tóc bằng ảnh vi CT độ phân giải cao. Đường khâu dùng để nối chỗ rách cũng như mắt và môi chỉ có thể kiểm tra kỹ lưỡng bằng phương pháp vi CT.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không thể xác định mục đích của chiếc đầu thu nhỏ là phục vụ nghi thức hay để bán. Việc kiểm tra vật liệu dùng để khâu mắt và môi có thể hé lộ nhiều thông tin hơn. Nếu đó là vật liệu dây leo, nhiều khả năng chiếc đầu dùng cho nghi thức. Nhưng nếu đó là loại chỉ rẻ tiền và hiện đại, đó là bằng chứng cho mục đích thương mại.