Một thương nhân bị tố cáo đã lén mở nắp quan tài rồi lấy trộm tất cả vàng bạc châu báu bồi táng bên trong.
Vào năm Hoằng Trị thứ 5 thời nhà Minh (tức năm 1492), Tuần án tỉnh Giang Tây là Hồng Chung đã tiếp nhận một vụ án nghiêm trọng từ cấp dưới gửi lên.
Trương Anh, một vị Tuần án cũ ở Thiểm Tây. Vợ của Trương Anh là Mạc thị qua đời vì bệnh nặng, linh cữu tạm thời gửi ở Hoa Nghiêm Tự và hiện đang chuẩn bị đưa về quê an táng. Trong quan tài được đặt 1 chiếc mũ đính ngọc trai đắt tiền, 3 mảnh ngọc quý, vô số trang sức vàng bạc và rất nhiều trang phục lộng lẫy.
Nhưng gia đình của người mất không ngờ một thương nhân chuyên buôn bán ngọc trai sống trong Hoa Nghiêm Tự đã tự động mở nắp cỗ quan tài lấy đi mọi thứ bên trong. Người này là Khâu Kế Tu.
Vụ việc đã được Nghê tri huyện ở huyện Đô Xương xử lý, Khâu Kế Tu cũng đã nhận tội. Tuy nhiên, Hồng tuần án cảm thấy vụ án này có nhiều điểm rất lạ. Bởi Trương Anh chỉ yêu cầu xử lý tên trộm theo pháp luật nhưng không đề nghị kiểm tra những vật bồi táng bên trong cỗ quan tài.
Trương Anh kể rằng người vợ đã mất của mình là người hiền đức, tình cảm giữa hai người khắng khít khó phai. Nếu như vậy thì tại sao Trương Anh không điều tra sâu hơn mà chỉ muốn nhanh chóng kết thúc vụ án này? Trước nhiều nghi vấn khó hiểu, Hồng tuần án đã hoãn quyết định khép lại vụ án, lập tức lên đường đến huyện Đô Xương và tìm lại hồ sơ của Khâu Kế Tu.
Trương Anh kể rằng người vợ đã mất của mình là người hiền đức, tình cảm giữa hai người khắng khít khó phai. (Ảnh minh họa).
Trong hồ sơ vụ án có nhiều chi tiết khiến Hồng tuần án phải chú ý, Khâu Kế Tu đã nói: "Mở nắp quan tài cướp vàng bạc không phải là do tôi làm, mà là nợ oan gia kiếp trước thực hiện".
Trong Hoa Nghiêm Tự có không ít người, tại sao Nghê tri huyện lại không thẩm vấn những người này. Ngoài ra, khi xác nhận lại các vật phẩm bị lấy cắp từ quan tài của Mạc thị thì chỉ có lời khai của các anh em trong nhà Mạc thị mà không có lời khai của Ái Liên, tì nữ thiếp thân (bên cạnh) của Mạc thị. Trương Anh lúc đó cho biết, Ái Liên đã mất tích nhiều ngày.
Ngày hôm sau, Hồng tuần án quyết định gặp mặt Khâu Kế Tu. Người này cho biết anh không phải là người thực hiện vụ trộm nhưng vì không chịu nổi những lần tra tấn dã man anh buộc phải nhận tội. Nhận ra Khâu Kế Tu đang che giấu bí mật không muốn người khác biết, Hồng tuần án cho lui tất cả những người đang có mặt. Một bí mật dần được hé mở qua lời kể của Khâu Kế Tu.
Chuyện xảy ra vào lúc Trương Anh nhậm chức Tuần án ở Thiểm Tây, vì nhiệm kỳ chỉ 1 năm nên ông không đưa gia đình theo. Mạc thị và tì nữ Ái Liên cùng một vài gia nô ở lại quê chăm lo việc kinh doanh của gia đình. Trong lúc rảnh rỗi, Mạc thị thường đi đây đi đó cùng tì nữ của mình.
Một ngày nọ, Mạc thị đến Hoa Nghiêm Tự thắp hương. Nàng vốn là phu nhân nhà quan lại có dung mạo tuyệt sắc do đó đã khiến nhiều người chú ý đến. Trong đó có Khâu Kế Tu. Khi vô tình nhìn thấy Mạc thị đến đây dâng hương, Khâu Kế Tu không ngừng mơ tưởng về mỹ nhân này và tìm cách để có được.
Khi vô tình nhìn thấy Mạc thị đến đây dâng hương, Khâu Kế Tu không ngừng mơ tưởng về mỹ nhân này. (Ảnh minh họa)
Khâu Kế Tu lên kế hoạch cải trang thành một nhũ mẫu đứng tuổi và đến Trương phủ để rao bán ngọc trai. Mạc thị rất bất ngờ khi được thấy ngọc trai Hợp Phố quý hiếm và kiến thức uyên bác của "Khâu nhũ mẫu". Cả hai trò chuyện rất vui vẻ, họ nói với nhau về mọi thứ trên trời dưới đất từ ban ngày đến tối khuya. Sau đó, "Khâu nhũ mẫu" lấy lý do vì trời đã khuya nên muốn tá túc tại Trương phủ, Mạc thị đã đồng ý.
Đến nửa đêm, "Khâu nhũ mẫu" lặng lẽ trèo lên giường nằm cạnh Mạc thị. Mạc thị bất ngờ muốn hét to cầu cứu thì đối phương dùng tay bịt miệng nàng lại rồi thì thầm: "Ta vốn là một thương nhân buôn bán ngọc trai ở Quảng Đông. Bởi vì muốn gặp phu nhân tuyệt trần như phu nhân mà cải trang thành nhũ mẫu, cố ý xin tá túc lại đây vì muốn gần gũi phu nhân.
Ta thấy phu nhân sống một mình đã quá lâu, chắc hẳn cũng nghĩ đến chuyện nam nữ. Huống hồ nếu phu nhân hét lên cũng sẽ khiến thanh danh bị hủy hoại. Ta có thể leo lên giường phu nhân như thế này, đây chính là duyên phận kiếp trước của chúng ta".
Cuộc nói chuyện ban sáng đã khiến trái tim Mạc thị xao động, hiện tại lại nằm trong vòng tay ấm áp của Khâu Kế Tu, Mạc thị đã dần xiêu lòng. Kể từ đó, Khâu Kế Tu thường xuyên cải trang thành nữ để đến Trương gia qua đêm với Mạc thị. Và người duy nhất biết được chuyện này chính là tì nữ thiếp thân Ái Liên.
Nửa năm sau, Trương Anh hết nhiệm kỳ và trở về nhà. Không lâu sau đó, Mạc thị bệnh nặng nhưng không qua khỏi. Trương Anh quyết định tạm đặt quan tài của vợ tại Hoa Nghiêm Tự. Ngày hôm sau, khi gia đình Mạc thị đến đây tế lễ thì phát hiện nắp quan tài đã bị mở bung ra. Bên trong chỉ còn thi thể của Mạc thị, tất cả châu báu đều đã biến mất.
Trương Anh lập tức đến nha môn báo án, sau đó cùng Nghê tri huyện đã tiến hành điều tra. Họ phát hiện trong số những người đến Hoa Nghiêm Tự dâng hương và ở lại có Khâu Kế Tu khả nghi nhất vì là người duy nhất đến từ nơi khác. Nghê tri huyện đã dùng nhục hình để khiến Khâu Kế Tu nhận tội.
Sau đó, Nghê tri huyện muốn xử Khâu Kế Tu treo cổ nhưng Trương Anh lại thấy hình phạt quá nhẹ nên đã viết thư gửi đến Hồng tuần án đề nghị xem xét lại.
Nghe Khâu Kế Tu kể xong, Hồng tuần án xâu chuỗi lại mọi thứ rồi phán đoán: Có thể Trương Anh biết vợ ngoại tình nên đã giết vợ rồi vu tội cho tình nhân của vợ. Sau đó, ông quyết định tìm Trương Anh hỏi chuyện.
Hồng tuần án bắt đầu với câu hỏi: Tì nữ Ái Liên rốt cuộc đang ở đâu? Trương Anh trả lời, Ái Liên là tì nữ bên cạnh Mạc thị từ bé. Khi Mạc thị qua đời, Ái Liên đã gieo mình xuống ao cá tự vẫn vì không muốn sống một mình.
Nghe xong đáp án này, Hồng tuần án suy nghĩ một chút rồi nói với Trương Anh, ông đang có một công vụ cần giải quyết gấp và muốn Trương Anh ở lại phủ của mình trong một vài ngày rồi hãy về nhà.
Sau khi giữ chân Trương Anh, Hồng tuần án nhanh chóng cho người đến Trương gia bắt giữ quản gia và tì nữ đến nha môn để thẩm vấn. Sự biến mất của tì nữ Ái Liên đã rõ ràng hơn.
Hóa ra, khi Trương Anh trở về quê nhà thì phát hiện trong nhà có quá nhiều ngọc trai quý. Nhưng hỏi Mạc thị, nàng không trả lời. Trương Anh đành gọi tì nữ thiếp thân của vợ đến bờ ao cá để hỏi han. Trước lời đe dọa của Trương Anh, Ái Liên buộc phải nói ra tất cả.
Trước lời đe dọa của Trương Anh, Ái Liên buộc phải nói ra tất cả. (Ảnh minh họa).
Sau khi biết được vợ đã ngoại tình với một thương nhân bán ngọc trai, trong cơn tức giận, Trương Anh đã đẩy tì nữ Ái Liên xuống ao. Nhưng ông không ngờ, sự việc này đã bị người quản gia chứng kiến rồi kể lại khi đứng trên công đường.
Đêm hôm đó, Trương Anh vẫn ngủ cùng giường với vợ. Đến canh 2, Trương Anh gọi Mạc thị dậy rồi nói nàng đi lấy rượu để cả hai cùng uống. Bình ủ rượu của nhà giàu ngày xưa rất cao, Mạc thị phải đứng trên ghế đẩu nhỏ mới có thể lấy rượu trong bình. Nhưng nàng không ngờ chồng đã lặng lẽ đứng đằng sau, nhấc cả thân người nàng ném vào bình rượu. Mạc thị không kịp kêu lên một tiếng nào đã chìm trong bình rượu to.
Sau khi chắc chắn vợ đã chết trong bình rượu, Trương Anh ra lệnh cho gia nhân đi tìm nàng. Khi Mạc thị được đưa ra khỏi bình rượu, Trương Anh giả vờ hoang mang rồi vuốt ve xác chết và khóc thật to.
Trời vừa sáng, ông liền cho người đặt mũ ngọc trai, trang sức quý và quần áo lộng lẫy vào trong quan tài cùng với thi thể của Mạc thị rồi đưa đến Hoa Nghiêm Tự. Đến tối khuya, Trương Anh phái 2 người thân tín đến mở nắp quan tài rồi lấy trộm mọi thứ bên trong. Kế hoạch của ông rất thâm độc: Vừa giá họa cho Khâu Kế Tu, vừa lấy lại vàng bạc của mình, lại còn có thể che mắt mọi người, thể hiện mối thâm tình của mình với vợ.
Mọi chuyện đã bị Hồng tuần án nắm rõ, Trương Anh không còn gì chối cãi đành nghe theo xử trí của Hồng tuần án. Hồng tuần án nói: Phu nhân của Trương Anh thất tiết, đáng chết; Khâu Kế Tu gian dâm với mệnh phụ, đáng chết. Nhưng tì nữ Ái Liên không đáng chết.
Trương Anh phấn đấu nhiều năm mới trở thành quan nhưng giết tì nữ vô tội thì phải chịu phạt, ông bị phạt 100 gậy và đồ 3 năm (đồ: giam cầm và bắt làm việc nặng nhọc).
Khâu Kế Tu cả gan tư thông với phu nhân nhà quan, tội không thể dung thứ, sẽ bị xử trảm vào cuối năm.
Nghê tri huyện sử dụng nhục hình trong thẩm tra đã bị phạt mất lương bổng trong 3 tháng.