Bí ẩn hồ xương người khổng lồ trên đỉnh Himalaya

  •   3,85
  • 30.146

Mỗi năm một lần, khi ánh nắng mặt trời làm tan chảy lớp băng giá bao phủ trên mặt hồ Roopkund, thuộc đỉnh Himalaya, thì hàng trăm bộ xương người lại hiện ra, ngổn ngang giữa lòng hồ.

Hồ xương khổng lồ trên nóc nhà thế giới

Hồ Roopkund là một địa điểm du lịch đẹp với phong cảnh như tranh vẽ nằm ở độ cao hơn 5000m so với mực nước biển trên đỉnh Himalaya, thuộc phần lãnh thổ của đất nước Ấn Độ. Phần lớn thời gian trong năm, hồ được bao phủ bởi màn băng tuyết trắng xóa và lạnh giá. Chỉ có thời gian ngắn vào mùa xuân hàng năm, hồ được thay áo và để lộ “lớp da thịt” của mình.

Và ở chính thời điểm đó, người ta đã khám phá ra một bí ẩn lớn, đầy kì lạ của hồ Roopkund. Đó là vào năm 1942, khi các nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ khi lên đến hồ Roopkund vào thời điểm băng tuyết tan đã tình cờ phát hiện ra hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng hồ. Hầu hết các bộ xương người này đều còn nguyên vẹn. Sau đó, người ta tiếp tục tiến hành xem xét và đếm thì phát hiện ra rằng, có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau trong lòng hồ Roopkund.

Ngay lập tức, tin tức này được lan truyền và gây chấn động trên toàn thế giới. Bởi hồ Roopkund vốn nằm ở độ cao hơn 5000m, không có người sinh sống nên việc có một hồ xương khổng lồ giữa mênh mông đất trời quả thật là một điều rất đáng kinh ngạc. Không những vậy, hầu hết thời gian trong năm hồ đều bị bao phủ bằng băng tuyết nên cảnh tượng về cách bộ xương chỉ hiện ra một lần khiến cho sức hút về sự bí ẩn của nó càng trở nên lớn hơn.

Truyền thuyết và ý nghĩa của những ngọn núi

Sự bí ẩn của những bộ xương ở hồ Roopkund gắn chặt với thiên nhiên huyền bí của dãy núi Nanda Devi. Những đỉnh núi cao chót vót này nằm ở phía Đông Bắc của hồ và là một phần của Công viên Quốc gia Nanda Devi. Vùng linh thiêng chứa những ngôi đền rải rác khắp nơi.

Nanda Devi, có nghĩa là nữ thần ban cho hạnh phúc, là nữ thần quan trọng và được tôn kính nhất ở vùng Garhwal của Uttarakhand. Nanda Devi đại diện cho người phối ngẫu của Shiva, Parvati, người đầu tiên đến Trái đất với tư cách là con gái của Himavan, vua của dãy núi Himalaya, và do đó, luôn luôn được liên kết với những ngọn núi.

Thần thoại nữ thần luôn tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của cư dân địa phương. Họ có các lễ hội lớn thường xuyên để vinh danh. Ngoài ra, các tín đồ hành hương cũng bất chấp nguy hiểm qua núi để tìm kiếm phước lành.

Ngoài ra, thần thoại địa phương cũng trực tiếp đề cập đến sự hình thành Trisul và hồ Roopkund. Cả hai nằm trong bóng tối của ngọn núi Nanda Devi. Trong một phiên bản của câu chuyện, Mahadev (Shiva), đấng tối cao hay vĩ đại, đã đập cây đinh ba của mình xuống đất để tạo ra một nơi mà người phối ngẫu Nanda Devi có thể làm dịu cơn khát. Điều này đã tạo ra ngọn núi Trisul và hai hồ nước.

Trong khi nữ thần Nanda Devi uống nước ở một trong những hồ nước, ngài đã nhìn vào và thấy hình ảnh của chính mình rất đẹp. Do đó, cái tên Roopkund có nghĩa là hồ phản chiếu hay hồ sắc đẹp.

Vậy liệu một huyền thoại địa phương có thể giải thích về các bộ xương?

Nanda là một nữ thần có nhiều khuôn mặt và tâm trạng, đôi khi thể hiện sự phẫn nộ, ghen tị hoặc bất an. Theo những câu chuyện mà người dân địa phương kể và hát, bản chất thất thường của nữ thần có thể là nguyên nhân đã dẫn đến những bộ xương nằm trong hồ. Khi câu chuyện xảy ra, dường như Vua Jasdhawal của Kannauj và hoàng hậu đang mang thai của ông, Balampa, đã đưa đoàn tùy tùng của họ đi hành hương đến Nanda Devi. Họ cũng đảm bảo mang theo những thú vui trần thế của họ dưới hình dạng những vũ công xinh đẹp. Tuy nhiên, họ đã phá vỡ những điều cấm kỵ truyền thống quan trọng về cuộc hành hương.

Các quy tắc cho rằng âm nhạc, trẻ em, phụ nữ, người già, đồ da, các diễn viên thấp hơn bị nghiêm cấm bước vào khu vực. Hành vi phạm tội đầu tiên là đưa phụ nữ và trẻ em đến con đường hành hương. Sau đó, khi nhà vua yêu cầu các vũ nữ nhảy múa ở vùng đất linh thiêng, sự xấc xược của ngài đã khiến nữ thần cảm thấy bị xúc phạm. Cuối cùng, khi Balampa sinh con ở gần hồ, nàng đã đổ máu xuống đất thánh. Do đó, trong cơn thịnh nộ của mình, nữ thần Nanda Devi đã đẩy tất cả các cô gái nhảy múa vào thế giới đen tối. Sau đó, ngài gây ra một cơn bão dữ dội, mưa đá khiến nhóm người còn lại cũng chết tại hồ Roopkund.

Trận mưa đá đó đã giết chết hết mọi người trong bữa tiệc rồi vùi chôn xác họ trong hồ Roopkund, qua hàng ngàn năm mà còn lại những bộ xương này. Trước thông tin về một hồ xương khổng lồ trên đỉnh Himalaya huyền thoại cùng với sức hút của câu chuyện truyền thuyết, các nhà khoa học cũng như những người ưa khám phá mạo hiểm, bắt đầu lần về hồ Roopkund để tìm ra câu chuyện đằng sau hồ xương khổng lồ trên đỉnh của nóc nhà thế giới này.

Khám phá của các nhà khoa học

Do điều kiện nghiên cứu vô cùng khó khăn và phức tạp nên hầu như mọi hướng tiếp cận hồ xương khổng lồ mới dừng lại ở việc quan sát, khám phá hồ xương vào thời điểm băng tuyết tan. Phải mãi tới năm 2003, các nhà khoa học thuộc khoa Khảo cổ, Học viện Deccancollege, Ấn Độ mới có thể phối hợp với các nhà khoa học Đức và Kênh Truyền hình Địa lý Quốc gia Mỹ cùng đến hồ xương người để tiến hành quay phim, nghiên cứu.

Và ngay cả trong những ngày tiến hành quay phim này, thời tiết cũng diễn ra vô cùng khắc nghiệt, ảnh hưởng đến tiến độ công việc, thậm chí, nguy hiểm cả đến tính mạng của những người tham gia công việc nghiên cứu.

Ở độ cao hơn 5000m so với mực nước biển, khí hậu trên hồ Roopkund biến đổi vô cùng thất thường với mưa, gió liên tục. Thêm vào đó, không khí loãng gây khó thở cũng tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của những nhà khoa học. Sau khi đã quay phim và thu nhặt xương để nghiên cứu vào năm 2003 nhưng cũng phải mãi đến cuối năm 2007, khi sử dụng các phương tiện hiện đại nhất để phân tích, những bí ẩn của hồ xương khổng lồ mới dần dần phát lộ.

Sau khi khảo sát kỹ các bộ xương người, các nhà khoa học phát hiện có một số vòng đeo tay bằng thuỷ tinh, nhẫn, hài bằng da và gậy trúc, không có vũ khí quân đội. Ngoài ra, khi kiểm tra thi thể tại hiện trường, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở phía trên đầu các hài cốt này đều có một vết nứt khá sâu. Những vết thương chí mạng này không phải do lở núi hay lở tuyết gây ra mà là do vật thể hình tròn như quả cầu lông đánh trúng. Các vết thương này đều nằm trên đỉnh đầu của nạn nhân.

Ở các vùng xương khác trên cơ thể không có vết thương này. Từ đó, các nhà khoa học dự đoán bước đầu rằng, hơn 800 người đã chôn xác dưới hồ Roopkund có thể đã chết do một trận mưa đá lớn, bất ngờ xảy đến khiến họ không kịp tìm chỗ ẩn nấp. Thế nhưng, câu hỏi lại được đặt ra là hơn 800 người đó là ai, tại sao lại lên vùng núi cao hiểm trở này và để phải hứng chịu cái chết từ trận mưa đá khủng khiếp đó?

Trong 31 bộ xương người còn thấy đầu tóc, móng tay chân được đưa về Trung tâm Phân tử sinh vật học Hyderabad, Ấn Độ để kiểm nghiệm và chọn những mẫu xương, thịt để xét nghiệm AND thì các nhà khoa học phát hiện ra một đặc điểm rất kì lạ đó là trên đầu của những người này đều có một miếng xương nhô ra ngoài trán. Theo đó, các nhà khoa học xác định những người này là cư dân thuộc vùng Maharashtra, miền trung nam Ấn Độ.

Phân tích tiếp, các nhà khoa học lại phát hiện trong 31 bộ xương có 3 mẫu có chuỗi xoắn gen ADN đột biến rất kỳ lạ chưa từng thấy ở các nơi khác trên thế giới mà chỉ xuất hiện ở nhóm người di dân ở Maharashtra. Ba mẫu này đột biến hoàn toàn giống nhau chứng tỏ ba người này là cùng một gia đình và đều là dân cư vùng Maharashtra, Ấn Độ. Vậy là nhóm người trên có quan hệ huyết thống với nhau. Thêm vào đó, trong 800 bộ xương nằm dưới lòng hồ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng được chia ra làm 2 nhóm chính. Một nhóm với nhiều bộ xương hơn có khung xương khá to, cho thấy cơ thể của những người này thuộc vào dạng cường tráng.

Một nhóm khác có hệ xương nhỏ hơn. Nhóm này có ít bộ xương hơn. Tổng hợp tất cả những phân tích, các nhà khoa học đi đến tổng kết rằng: Hơn 800 người nằm dưới lòng hồ Roopkund là những người Ấn Độ di cư hành hương lên hồ Roopkund. Những người có dáng vóc nhỏ hơn có thể là các cư dân sống xung quanh đó và là người hướng dẫn cho nhóm hành hương này.

Về nguyên nhân cái chết của hơn 800 người này thì các nhà khoa học cho rằng họ không hề bị nhiễm bệnh mà tử vong cùng một lúc. Có thể, một cơn mưa đá với tốc độ vô cùng lớn (có thể là hơn 160km/h) đã bất ngờ xảy đến khiến cho những người này không kịp tìm chỗ ẩn nấp và bị chết. Một số ít trong số họ bị thương và sau đó bị chết vì đói, rét.

Thời gian của trận mưa đá này xảy ra là vào khoảng năm 850, tức là cách đây hơn 1000 năm. Việc những bộ xương này còn nguyên là do sự bảo quản của băng tuyết trong nền nhiệt thấp của vùng hồ Roopkund.

Việc xảy ra trận mưa đá có tốc độ lớn gây chết hàng trăm người là điều hoàn toàn có thể diễn ra vì trong sách Kỷ lục Guiness thế giới có ghi, năm 1986 ở Bangladesh từng xảy ra một trận mưa đá kinh hoàng, hạt mưa đá nặng đến 1kg, gây ra cái chết cho 92 người. Do vậy, các nhà khoa học tin rằng rất có thể, một trận mưa đá với tốc độ lớn tương tự đã xảy ra trước đó, nhất là ở vùng núi cao của đỉnh Himalaya.

Mặc dù, bí mật của hồ xương khổng lồ trên đỉnh nóc nhà thế giới đã được các nhà khoa học lí giải nhưng sức hút của hồ xương khổng lồ thì vẫn không dừng tại đó. Không những vậy, việc hồ xương Roopkund chỉ xuất hiện một năm một lần nên nó càng trở nên lôi cuốn hơn cho những ai muốn khám phá và chứng kiến hồ xương có một không hai trên thế giới này. Là chốn linh thiêng mà hàng trăm người đã phải chịu một cái chết thảm khốc vì thiên tai nên nơi đây cũng được xem là nơi cầu nguyện của rất nhiều người.

Bản thân các nhà khoa học, sau khi tiến hành nghiên cứu xong cũng trả các bộ xương về với lòng hồ Roopkund để chúng có thể sống tiếp trong vai trò chứng nhân lịch sử của mình. Ngày nay, hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, khi lớp băng giá bao phủ trên hồ tan ra là thời điểm hàng trăm, hàng nghìn khách du lịch mạo hiểm tới tham quan. Và đó cũng là lúc hàng trăm tín đồ tôn giáo, tụ tập về đây để cầu nguyện.

Cập nhật: 30/07/2020 Theo NĐT/ĐSPL
  • 3,85
  • 30.146