Loài quạ có tập tính tụ tập khóc thương đồng loại nhưng chưa ai giải thích được điều này.
Loài quạ có một tập tính rất đặc biệt và bí ẩn: mỗi khi có quạ chết, đàn quạ sẽ tụ tập quanh đó và bắt đầu “than khóc”, tạo nên một “đám ma quạ”.
Các khoa học gia đã quan sát được hiện tượng này từ rất lâu, nhưng mãi đến gần đây mới có thể giải thích được vì sao quạ lại làm như vậy. Đó là vì chúng muốn tìm hiểu xem có điều gì nguy hiểm trong khu vực sống của chúng.
Quạ tụ tập khi có đồng loại chết
Theo Kaeli Swift – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Washington: “Hiện tượng đám ma quạ đã được quan sát từ rất lâu nhưng chúng ta không hiểu vì sao chúng có thể làm như vậy”.
Để giải đáp bí ẩn, nhóm nghiên cứu của Swift đã sử dụng những con chim nhồi bông để đóng giả quạ chết tại các khu vực có nhiều quạ.
Swift chia sẻ: “Nghiên cứu bao gồm 3 bối cảnh nguy hiểm: một người đeo mặt nạ cầm xác quạ; một người đứng cạnh chim ưng đang đậu; một người đứng cạnh chim ưng đang đậu cùng một xác quạ”. Mặt nạ được sử dụng để kiểm tra xem quạ có thể nhớ được mặt người không, vì các ứng viên tham gia nghiên cứu là khác nhau.
Kết quả là 96% số trường hợp đều cho ra phản ứng giống nhau.
Theo đó, khi một con quạ phát hiện ra điều bất thường, nó sẽ kêu rất to, thu hút 5-11 con khác ở khu vực lân cận. Chúng sẽ tụ tập trong khoảng 10-20 phút, kêu khóc thảm thiết.
Swift cho biết: “Quạ phản ứng mạnh nhất ở trường hợp thứ 3, khi chúng nhìn thấy người, chim ưng và xác đồng loại. Điều này cho thấy, quạ sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi xác quạ được tìm thấy cùng những kẻ thù quen thuộc”.
Bên cạnh đó nghiên cứu cũng cho thấy, quạ có khả năng ghi nhớ mặt người một cách xuất sắc và thời gian ghi nhớ của chúng có thể lên tới… hàng năm trời.
Swift đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy các con quạ học cách nhận ra những người chỉ đứng cạnh chim ưng dựa trên chiếc mặt nạ của họ. Bằng chứng là khi những người đeo mặt nạ này bước vào khu vực, quạ không có phản ứng gì.
Trong một nghiên cứu trước kia về quạ của tiến sĩ John Marzluff thuộc ĐH Washington, các khoa học gia sử dụng mặt nạ trong quá trình đặt bẫy tại 5 địa điểm khác nhau.
Quạ có thể nhận ra những "khuôn mặt nguy hiểm".
Tuy nhiên, sau 5 năm kể từ khi việc đặt bẫy dừng lại, loài quạ vẫn nhớ được những “khuôn mặt nguy hiểm”. Bằng chứng là những người đeo “mặt nạ nguy hiểm” khi bước vào khu vực đều bị quạ kêu rất to, nhằm báo động cho đồng loại, và để xua đuổi kẻ thù.