Bí ẩn về "Người tuyết" đã được giải mã?

  •   3,17
  • 19.010

Một nhà khoa học uy tín của Anh có thể đã giải mã được bí ẩn về "Người tuyết" (Yeti), một sinh vật huyền thoại giống khỉ được cho là cư trú trên những rặng núi cao thuộc dãy Himalaya.

>>> Nhóm nhà khoa học tuyên bố: Người tuyết có thật

Giáo sư Bryan Sykes đến từ Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành kiểm tra ADN của các mẫu lông của 2 sinh vật "Người tuyết", một được tìm thấy ở khu vực Ladakh, phía tây dãy Himalaya và thuộc miền bắc Ấn Độ và mẫu còn lại từ Bhutan, cách đó gần 187km về phía đông. Các kết quả thu được sau đó được đem so sánh với hệ gene của các sinh vật khác trong kho dữ liệu về tất cả các chuỗi ADN từng được biết đến cho tới nay.

Giáo sư Sykes rốt cuộc đã phát hiện ra sự trùng khớp ADN 100% giữa mẫu lông của các sinh vật bí ẩn trên với mẫu xương hàm của một loài gấu Bắc cực cổ xưa ở Svalbard, Na Uy. Mẫu vật cổ có niên đại cách đây khoảng 40.000 - 120.000 năm, thời điểm khi gấu Bắc cực và gấu nâu có họ hàng gần gũi bắt đầu phân tách thành các loài khác nhau.


Ảnh: gadling.com

Giáo sư Sykes tin rằng, "Người tuyết" thực chất là sinh vật lai giữa gấu Bắc cực và gấu nâu. Vì các mẫu mới phát hiện thuộc về những sinh vật vẫn sống gần đây, nên ông nhận định, sinh vật lai vẫn đang cư trú trên dãy Himalaya.

Nhà nghiên cứu này cho biết thêm rằng, mẫu ở Ladakh thu được từ phần xác ướp còn lại của một sinh vật bị thợ săn bắn chết cách đây khoảng 40 năm. Mẫu lông của xác ướp này đã được tặng cho một nhà leo núi Pháp cách đây khoảng 10 năm và người này rốt cuộc đã chuyển giao nó cho giáo sư Sykes. Trong khi đó, mẫu thứ hai là một chiếc lông được tìm thấy trong một khu rừng tre ở Bhutan cách đây khoảng một thập niên.

Cả hai mẫu lông đều có màu nâu. Phần còn lại của sinh vật ở Ladakh hé lộ, nó cao khoảng 1,5 mét, thấp hơn so với truyền thuyết. Tuy nhiên, sinh vật này có thể cho thấy nhiều đặc điểm khác khá giống với "Người tuyết" trong huyền thoại.

Các báo cáo về "Người tuyết" đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua. Nhiều cư dân địa phương và các nhà thám hiểu từng tuyên bố đã mặt đối mặt với con quái thú này. Một bức ảnh chụp dấu chân của "Người tuyết" của nhà leo núi Anh Eric Shipton tại chân núi Everest vào năm 1951 từng gây xôn xao dư luận toàn thế giới.

Theo giáo sư Sykes, hiện trong khu vực quanh dãy Himalaya chỉ có 3 loại gấu từng được biết đến là gấu lợn, gấu nâu và gấu đen châu Á.

Theo Vietnamnet, Telegraph, Daily Mail
  • 3,17
  • 19.010